Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nên mở rộng điều kiện khởi kiện vụ án hành chính

V.A| 18/06/2010 17:24

(HNMO) – Dự án Luật tố tụng hành chính đã làm “nóng” nghị trường trong phiên làm việc của QH ngày 18/6 với những vấn đề liên quan đến điều kiện khởi kiện vụ án hành chính, thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính và cơ chế xử lý đối với bản án quyết định của tòa án hành chính có sai lầm nghiêm trọng…


Có cần một cơ chế đặc biệt cho việc xem xét lại các bản án?

Theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền - Hà Nội, thực tế cho thấy, các trường hợp quá thời hiệu giám đốc thẩm và tái thẩm và đối với những trường hợp mà Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao là cơ quan xét duyệt cao nhất mà đã xét xử rồi nhưng qua chính Tòa án Nhân dân tối cao thực hiện chức năng giám đốc xét xử và qua giám sát phát hiện sai đang ngày càng nhiều và ngày càng phức tạp với những khiếu kiện gay gắt. Đại biểu Quyền nhất trí là dự án Luật tố tụng hành chính này là một thí điểm để nhân rộng đối với tố tụng dân sự, tố tụng hình sự để có cơ chế xử lý đối với các vụ án dạng này.

“Hiện nay việc ban hành pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong trường hợp bị Chủ tịch nước không đồng ý với một số quy định nào đó trong pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chủ tịch nước yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại các quy định đó. Nhưng trong trường hợp xem xét lại lần 2, mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn khẳng định vấn đề đó là đúng thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp nhận ý kiến của Chủ tịch nước thì sẽ xem xét và sửa lại”, đại biểu Quyền nói.

Đại biểu cũng đề nghị, với cơ chế này, nên giao cho Chánh án và Viện trưởng thống nhất kháng nghị đối với những bản án đã hết hiệu lực, còn đối với những bản án mà do Hội đồng thẩm phán xét xử mà có sai lầm thì giao Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại, nhưng Hội đồng không xét xử lại vụ ván mà giao lại cho các tòa án cấp dưới sơ thẩm, phúc thẩm xét xử lại từ đầu, nhưng không giao lại cho những tòa án đã xử vụ án.

Đại biểu Vũ Hồng Anh - TP Hà Nội cho rằng, trong trường hợp phát hiện sai lầm trong quyết định bản án của Tòa án gây ảnh hưởng đến quyền công dân thì bất luận ở tình trạng nào, bản án quyết định đó cũng cần phải được xem xét lại. Tuy nhiên, việc xem xét lại bản án phải được thực hiện theo quy trình của pháp luật tố tụng và phải do cơ quan tố tụng, tức là do Tòa án thực hiện, chứ không thể ủy quyền hay giao cho một cơ quan nào khác.

“Đề nghị trao thẩm quyền xem xét vụ án cho Chủ tịch nước là không hợp lý. Thủ tục xem xét các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án mà phát hiện có sai lầm nghiêm trọng cần phải được quy định ngay trong dự thảo luật này, hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Quốc hội và cũng không trái với quy định của Hiến pháp hiện hành”, đại biểu Hồng Anh nói.

Chung quan điểm, đại biểu Trần Văn Độ - An Giang cũng cho rằng, không nên xây dựng một cơ chế đặc biệt cho việc xem xét lại các bản án trên như đề nghị là: giao cho Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét quyết định kháng nghị đối với đa số tuyệt đối, 2/3, trên cơ sở đó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị và Hội đồng thẩm phán xét xử. Theo đại biểu Độ, điều này là trái với nguyên tắc tư pháp trong Nhà nước pháp quyền, bởi chỉ có tòa án mới có thẩm quyền xét xử, Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất và việc xét xử của tòa án cũng phải có giới hạn về thẩm quyền cũng như về thời hạn. Hơn nữa, việc phân biệt rõ ràng thẩm quyền kháng nghị và thẩm quyền xét xử không thể để có tình trạng Hội đồng thẩm phán xem xét quyết định kháng nghị, sau đó chính Hội đồng thẩm phán lại xét xử vụ việc. Việc thực hiện cơ chế này tạo ra khả năng khiếu kiện kéo dài vốn đang quá tải ở Viện kiểm sát và tòa án các cấp, nhất là ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao, tạo ra sự lưỡng lự, thiếu dứt khoát trong công tác thi hành án.

“Nếu chúng ta tạo ra một cơ chế vẫn có những khả năng để xét xử lại vụ án của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hoặc khả năng xét xử lại những vụ án đã hết thời hạn kháng nghị thì rõ ràng công dân sẽ kiện, sẽ có đơn từ khởi kiện liên tục, kiện liên tục không có điểm dừng”, đại biểu Độ nói.

Đại biểu Độ cũng cho biết, trên thế giới không có bất kỳ một quốc gia nào có thể có cơ chế tố tụng này.

“Có lẽ giải pháp phù hợp nhất hiện nay để giải quyết trường hợp này là bằng mọi biện pháp nâng cao năng lực thẩm phán, nhất là thành viên Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại tư pháp của Tòa án, của Viện kiểm sát các cấp để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này”, đại biểu Độ nói.


Không nên hạn chế điều kiện khởi kiện

Theo đại biểu Lê Thị Nga - Thái Nguyên, dự thảo luật về cơ bản vẫn giữ nguyên điều kiện khởi kiện như trước đây trừ một số rất ít loại việc được kiện thẳng ra tòa, như vậy là chưa hợp lý.

Đại biểu Nga cho rằng, quy định như vậy sẽ hạn chế quyền lựa chọn của người dân đối với việc chọn phương thức giải quyết hoàn toàn theo thủ tục tố tụng tư pháp, kéo dài quá trình giải quyết do bị ràng buộc bởi điều kiện phải qua thủ tục khiếu nại hành chính, giảm tính ưu việt của phương thức giải quyết khiếu nại bằng tòa hành chính và

“Năm 2005, Quốc hội chúng ta đã giám sát tối cao việc giải quyết khiếu nại và đã có nghị quyết yêu cầu Chính phủ nghiên cứu tổ chức hệ thống cơ quan tài phán hành chính của Chính phủ để khắc phục tính thiếu khách quan của thủ tục giải quyết khiếu nại ở cơ quan hành chính hiện nay. Tuy nhiên, như chúng ta biết là hiện nay Chính phủ đã kết luận là không tổ chức hệ thống tài phán hành chính mà cần mở rộng thẩm quyền của tòa án hành chính. Như vậy, hiện nay có hai cách giải quyết mà chúng ta lại còn ràng buộc điều kiện của người dân phải khiếu nại hành chính trước khi kiện ra tòa án hành chính là đã hạn chế quyền lựa chọn của người dân”, đại biểu Nga nói.

Trên quan điểm đó, đại biểu Nga đề nghị cần bỏ quy định về điều kiện trước khi khởi kiện vụ án hành chính phải qua thủ tục khiếu nại và nếu bỏ quy định này thì người dân sẽ có ba con đường để lựa chọn giải quyết khiếu nại hành chính, gồm: hoàn toàn bằng con đường ở cơ quan hành chính; hoàn toàn bằng con đường tòa hành chính; giải quyết bằng con đường khiếu nại hành chính nhưng trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết đều có thể khởi kiện ra tòa theo đúng cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Hợp - Hải Dương đề nghị nên quy định theo hướng để các tổ chức, cá nhân nếu không đồng ý với các quyết định hành chính thì có thể khởi kiện vụ án hành chính ngay mà không đặt ra yêu cầu phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết lần 1 hoặc lần 2, trừ một số loại việc có tính chuyên môn sâu hoặc lĩnh vực mà luật chuyên ngành quy định cần phải qua thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện ra tòa án hành chính.

“Chúng ta cần mở rộng quyền của công dân để công dân có quyền lựa chọn các hình thức để khởi kiện, khiếu nại. Thứ hai nữa là chúng ta cũng phải làm sao giảm gánh nặng cho các cơ quan hành chính Nhà nước hiện nay… Quy định như vậy nó cũng phù hợp với điều kiện và khả năng của ngành tòa án hiện nay”, ông nói.

Đại biểu Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh đồng tình với việc mở rộng thẩm quyền của Tòa án về xét xử, trừ lĩnh vực an ninh, quốc phòng và trong các vụ quản lý về đất đai thì phải qua thủ tục xét khiếu nại, có quyết định mới khởi kiện.

“Tôi không đồng tình nói rằng chúng ta mở rộng loại tòa án không đủ sức làm, nếu thực tế đòi hỏi như vậy người dân phải đóng thuế để nâng việc mở rộng tòa án ra giải quyết việc cho dân, tôi nghĩ người dân sẵn sàng, nâng năng lực lên chứ không vì bất cập mà chúng ta hạn chế lại”, đại biểu Lịch nói.

Chủ nhiệm UB Tư pháp của QH Lê Thị Thu Ba cũng cho rằng, việc quy định người dân muốn kiện ra tòa thì phải khiếu nại hành chính trước rồi mới kiện ra tòa vô hình chung “lại bó lại” và người dân muốn đến được tòa thì phải đi một đường vòng rất xa, tức là phải qua khiếu kiện.

“Tôi cho như thế không cần thiết, chúng ta nên mở rộng cho phù hợp”, đại biểu Ba nói.

Đại biểu Nga cũng không cho rằng việc mở rộng này khiến tòa án “quá tải”, người dân sẽ dồn hết đơn khiếu nại, khởi kiện của họ ra tòa.

“Nếu mở được ra như vậy với điều kiện chúng ta nâng năng lực và hiệu quả của hoạt động xét xử của Tòa án tôi nghĩ rằng đây là một việc làm rất tốt bởi vì nếu được Tòa án giải quyết thì đây là một cơ quan giải quyết khiếu kiện chuyên nghiệp, còn như hiện nay Chính phủ đã không thành lập cơ quan tài phán hành chính vì rõ ràng trong điều kiện các cơ quan hành chính hiện nay không có người giải quyết khiếu kiện chuyên nghiệp… Cho nên tôi nghĩ con đường ra tòa là con đường dân chủ và chuyên nghiệp nhất và với điều kiện là tòa án độc lập với chất lượng, dịch vụ của tòa án được nâng lên”, đại biểu Ba nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nên mở rộng điều kiện khởi kiện vụ án hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.