Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nên lấy từ Quỹ ốm đau, thai sản

Kim Vũ| 29/09/2011 07:09

(HNM) - Hiện nay người lao động (NLĐ), đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN- KCX) đang phải đối diện với một thực tế là thiếu nhà trẻ, khiến lao động nữ phải xin nghỉ việc để  chăm sóc con.

Trong khi đó, theo thống kê của BHXH Việt Nam thì số tiền dư từ Quỹ ốm đau và thai sản tính đến cuối năm 2010 (kể cả lãi đầu tư) vẫn còn hơn 7,1 nghìn tỷ đồng. Số dư này đã khiến cho các cơ quan chức năng phải tính đến hiệu quả, trong đó việc xây dựng nhà trẻ cho con công nhân đang được quan tâm đặc biệt.


Vì nhiều lý do, công nhân nghèo đành phải gửi con ở những điểm giữ trẻ tự phát. Ảnh: Thi Trân


Tiền dư chưa được sử dụng

Trong nhiều lần lấy ý kiến các cơ quan chức năng, doanh nghiệp về các chính sách liên quan đến chế độ thai sản cho Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) thì đời sống tinh thần, thời gian nghỉ thai sản và sức khỏe của lao động nữ được bàn nhiều nhất. Đặc biệt, vấn đề bà mẹ hết 4 tháng nghỉ sau khi sinh con, không biết gửi con ở đâu để đi làm vì tình trạng thiếu nhà trẻ đang trở nên nghiêm trọng, nhất là tại các nhà máy, KCN, KCX. Hiện nay  nhà trẻ công lập chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên nên lao động nữ phải gửi con ở nhà trẻ tư nhân với mức phí cao gấp 3 - 4 lần so với phí nhà trẻ công lập khiến nhiều bà mẹ buộc phải nghỉ làm để trông con. Điều này tỷ lệ thuận với số doanh nghiệp phải chật vật tìm kiếm lao động, kéo theo đó là sự mất cân đối thị trường lao động, sự lãng phí nguồn nhân lực đã thể hiện rõ.

Theo ông Nguyễn Hùng Cường, Phó trưởng ban thực hiện chính sách BHXH Việt Nam thì số tiền dư của Quỹ ốm đau và thai sản tính đến cuối năm 2010 (kể cả lãi đầu tư) còn hơn 7,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, từ năm 2007 - 2010, đã thu được 19,8 nghìn tỷ đồng cho quỹ do người sử dụng lao động đóng bằng 3% quỹ tiền lương, tiền công. Số tiền chi cho chế độ ốm đau, thai sản và dưỡng sức chỉ 68,07% (trợ cấp sinh con và nuôi con chiếm 46% trong số này). Theo tính toán của cơ quan này, nếu tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng thì số tiền chi trả trợ cấp cũng chỉ ở mức hơn 85% của nguồn thu. Dự kiến đến năm 2030, số chi bằng 92% số thu và quỹ vẫn còn dự phòng tới 8%. Như vậy vẫn bảo đảm quỹ ở mức an toàn.

Quỹ ốm đau, thai sản để xây nhà trẻ?

Trước thông tin Quỹ ốm đau, thai sản dư số tiền lớn, nhiều ý kiến cho rằng nếu sử dụng  tiền dư vào  việc xây dựng các nhà trẻ công lập sẽ giải quyết được rất nhiều ách tắc trong thị trường lao động hiện nay. Tham khảo vấn đề này ở các nước thì tại Chile, từ năm 1976, doanh nghiệp có 2 lao động nữ trở lên phải bố trí nhà trẻ gần doanh nghiệp để lao động nữ có con nhỏ dưới 2 tuổi được gửi trẻ. Chi phí nhà trẻ do chủ doanh nghiệp chi trả. Ở Campuchia, từ năm 1997, doanh nghiệp sử dụng 100 phụ nữ hoặc trẻ em gái phải xây dựng trong cơ sở của mình hoặc gần đó một phòng điều dưỡng và một nhà trẻ. Nếu không có khả năng xây dựng nhà trẻ cho trẻ em trên 18 tháng tuổi, lao động nữ có thể gửi con  ở nhà trẻ khác bất kỳ và chủ sử dụng lao động phải thanh toán chi phí này.

Liên hệ với thực tế ở Việt Nam, với doanh nghiệp ăn nên làm ra thì đã trợ cấp tiền thuê phòng trọ cho công nhân hoặc trợ cấp ăn trưa chứ việc chi trả tiền gửi trẻ cho con em công nhân hoặc nhà trẻ trong doanh nghiệp là chưa có. Theo bà Nguyễn Thu Hồng - Phó ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, kết quả điều tra mới đây về nghỉ thai sản và nuôi con bằng sữa mẹ của lao động nữ tại một số KCN lớn sử dụng nhiều lao động nữ ở 12 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, phần lớn lao động nữ phải cai sữa sớm cho con hoặc không cho con bú đầy đủ trong 6 tháng đầu đã phải đi làm. Bởi với chế độ nghỉ thai sản 4 tháng như hiện nay, nếu người mẹ nghỉ thêm thì không có thu nhập, hoặc có thể bị mất việc vì doanh nghiệp phải bố trí lao động khác thay thế. Đi làm sớm dẫn đến ít sữa, mất sữa. Nếu không muốn mất sữa thì cũng đồng nghĩa với việc thất nghiệp. Tại các KCN ở TP Hồ Chí Minh, có 80% lao động nữ phải gửi con ở nhà trẻ tư hoặc về quê với gia đình. Lý do đưa ra là thủ tục tại các nhà trẻ công lập ở gần KCN, KCX yêu cầu phải có chứng nhận hộ khẩu KT3, mà đa phần lao động nữ lại không đáp ứng được. Hoặc ở Đồng Nai, hiện có gần 500.000 lao động nhập cư, nhiều người không có hộ khẩu, không có chỗ ở ổn định. Không ít gia đình có con nhỏ nhưng nhà trẻ đủ điều kiện theo quy định chỉ đáp ứng 11% nhu cầu. Tại Bình Dương, một doanh nghiệp xin thủ tục để làm nhà trẻ cho lao động nữ có chỗ gửi con thì gặp khó khăn từ chính Phòng mầm non của Sở Giáo dục - Đào tạo khiến doanh nghiệp từ bỏ ý định xây dựng. Tại TP Hải Phòng, chính LĐLĐ TP cũng kêu khó vì hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo của nhà nước trước đây đều đã giải thể, xây dựng cơ sở mới thì không có mặt bằng và thiếu nhiều điều kiện khác.

Với các kết quả khảo sát trên, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc còn dư Quỹ ốm đau, thai sản là rất phù hợp với việc chi trả cho vấn đề gửi trẻ cho con em công nhân như xây nhà trẻ hoặc hỗ trợ tiền gửi trẻ. Nếu được sự phân bổ hợp lý thì việc sử dụng quỹ sẽ như một giải pháp lâu dài, thấu đáo vấn đề chăm sóc con cái của công nhân nữ, nó cũng là sự đầu tư lâu dài cho tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nên lấy từ Quỹ ốm đau, thai sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.