(HNM) - Năm 2021 vừa qua, dù gặp khó khăn, bất lợi do đại dịch Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn ghi danh trong số ít quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng dương, tiếp tục duy trì hình ảnh năng động và khả năng chống chịu, vượt khó. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam đang đứng trước cơ hội mới, với nhiều chỉ dấu thực tế để bứt phá, hứa hẹn tăng trưởng cao hơn trong năm 2022.
Nền tảng tạo đà
Năm 2021 để lại bài học lớn trong việc phát huy được các “chân kiềng” quan trọng, là động lực cho tăng trưởng, như kết quả đáng ghi nhận về xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và sản xuất công nghiệp.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, việc duy trì mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) 2,58% và giữ mức lạm phát thấp 1,84% trong năm 2021 là thành công, tạo đà bứt phá cho nền kinh tế năm 2022. Bên cạnh đó, nhờ sự phục hồi rõ nét về nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới nên dư địa cho tăng trưởng cũng rộng hơn, có cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp tận dụng, bứt phá.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch Covid-19 đã được nâng lên, ngày càng hiệu quả cũng là tiền đề quan trọng để duy trì sản xuất. Cùng quan điểm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, đó là điều kiện thuận lợi và tiên quyết để mau chóng phục hồi kinh tế, hướng tới tăng trưởng nhanh hơn.
Ở thời điểm đầu năm 2022, nhiều ngành sản xuất, nhất là sản xuất phục vụ xuất khẩu có nhiều đơn hàng. Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, trên 83% doanh nghiệp được hỏi cho biết, đơn hàng xuất khẩu quý I-2022 tăng so với quý IV-2021; trên 81% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh tốt hơn. Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP Thân Đức Việt, từ khi chuyển sang “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, doanh nghiệp nhanh chóng hoạt động hết công suất. Nhiều đơn vị của Tổng công ty đã có đơn hàng đến hết quý I-2022.
Trong khi đó, hoạt động đầu tư nước ngoài cũng duy trì “phong độ” nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19 kết hợp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Mới đây nhất, tỉnh Nghệ An vừa cấp phép cho dự án của Tập đoàn Goertek (Hồng Kông, Trung Quốc) tăng vốn đầu tư thêm 400 triệu USD để mở rộng quy mô sản xuất. Các doanh nghiệp châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… vẫn khẳng định nhu cầu tăng cường đầu tư do tiềm năng, sức hấp dẫn của Việt Nam.
Dồn sức cho phục hồi tăng trưởng
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, năm 2022, mục tiêu trọng tâm vẫn là vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái “bình thường mới”. Mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% thậm chí cao hơn là khả thi. Phần lớn tổ chức quốc tế uy tín đều cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trên 6%; riêng Ngân hàng Standard Chartered dự báo GDP Việt Nam tăng 6,7% trong năm 2022.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam sẽ tập trung phát huy lợi thế khi ngày càng tham gia sâu rộng, vận dụng nhuần nhuyễn quy định có lợi trong các hiệp định thương mại tự do nhằm gia tăng giao thương, đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp phát huy ưu đãi, tận dụng tối đa cơ hội, hạn chế thách thức từ những hiệp định này. Đáng lưu ý, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 sẽ mang lại cơ hội mới cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là nông sản - vừa là thế mạnh của Việt Nam vừa đang có nhu cầu cao trên thế giới. Còn Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn nhận định, đây sẽ là cơ hội thúc đẩy hoạt động đầu tư, tạo ra tăng trưởng.
Bên cạnh đó, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, như giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, tăng chi đầu tư phát triển từ ngân sách 176.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022 và 2023; hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng; bổ sung tối đa 113.550 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai.
Chính phủ cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5%-1%; sử dụng tối đa 46.000 tỷ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vắc xin, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19… Để có nguồn lực thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ chương trình, Quốc hội cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1%-1,2% GDP/năm (tối đa 240.000 tỷ đồng); trong đó năm 2022, tăng khoảng 1,1% GDP (tối đa 102.800 tỷ đồng) so với dự toán.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, cần sớm ban hành và thực thi hiệu quả chương trình trên (từ cơ sở chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế, xã hội mà Quốc hội vừa thông qua). Các chuyên gia cũng khuyến nghị, cần đẩy nhanh, quyết liệt cải cách, hoàn thiện thể chế (bao gồm cả khung pháp lý cho kinh tế số, mô hình kinh doanh mới); cải thiện thực chất hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; kiên quyết tháo gỡ những vướng mắc sớm nhất có thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.