(HNM) - Các doanh nghiệp sẽ phục hồi chậm, nhưng chắc - Đó là đánh giá của các chuyên gia tại hội thảo về
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, năm 2013, nền kinh tế vẫn gặp nhiều bất lợi ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô cơ bản duy trì sự ổn định; tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng dần qua từng quý, khả năng tiếp cận tín dụng của DN được cải thiện, hàng tồn kho giảm, nợ xấu dần được kiểm soát; nhập siêu rất thấp... Đó là kết quả của quá trình nỗ lực liên tục. Dự đoán, GDP năm nay tăng 5,4% và là mức tăng chấp nhận được trong bối cảnh khó khăn. Đặc biệt, kết quả xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tăng rất mạnh, trở thành hai điểm sáng của nền kinh tế. Nền kinh tế hiện đã thoát đáy để diễn tiến theo biểu đồ đi lên.
Nền kinh tế đã bớt khó khăn, tuy nhiên thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Ảnh: Linh Ngọc |
Thế nhưng cũng phải thấy rằng các dấu hiệu phục hồi còn thiếu tính bền vững, môi trường đầu tư - kinh doanh chưa được cải thiện như mong đợi của DN, một số tồn tại của nền kinh tế chưa được xử lý. DN vẫn gặp nhiều khó khăn khi vay vốn do khó tiếp cận hoặc không thể đáp ứng điều kiện của ngân hàng. Đáng lo ngại nhất là đến thời điểm này thị trường chứng khoán, bất động sản vẫn gần như "đóng băng", chưa có dấu hiệu về khả năng sớm hồi phục. Bà Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, CPI cả năm 2013 tăng khoảng 6,4%, cho thấy sự giảm mạnh so với các năm trước; thể hiện các chính sách kiềm chế lạm phát đang phát huy tác dụng. Nhưng ngược lại, có nguyên nhân quan trọng khác khiến CPI tăng thấp là do sức mua và tổng cầu xã hội rất yếu, tâm lý "thắt lưng buộc bụng" của người tiêu dùng… đã ghìm mức tăng của CPI.
Từ thực tiễn trên, giới chuyên gia đã đưa ra một số khuyến nghị về chính sách điều hành trong năm 2014 như: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; ban hành các giải pháp phù hợp với hoàn cảnh và tình huống cụ thể nhằm giải quyết hàng tồn kho; kiên định các biện pháp hỗ trợ, phát triển thị trường trong nước kết hợp mở rộng thị trường xuất khẩu; giải quyết nhanh và hiệu quả hơn vấn đề nợ xấu, hoàn thành cơ bản việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, khơi thông dòng vốn tín dụng cho DN…
Tiến sĩ kinh tế Lê Xuân Bá lưu ý, Nhà nước không nên điều hành chính sách giá cả bằng biện pháp hành chính, bởi Việt Nam ngày càng phải thực hiện đầy đủ những cam kết khi hội nhập khu vực và quốc tế. Ngay từ bây giờ cần có biện pháp và chấp nhận giá hàng hóa được thể hiện đúng như quan hệ cung - cầu với những diễn biến thực tế của thị trường để nền kinh tế, nhất là giới tiêu dùng "làm quen".
Đại diện Hiệp hội DN có vốn ĐTNN cho biết, hiện khối DN ĐTNN đang chiếm thế áp đảo, đóng góp tới 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu nhờ thế mạnh về công nghệ, thương hiệu, khả năng quản trị cũng như thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, sức lan tỏa đối với nền kinh tế của khu vực này chưa rộng, chưa mạnh như mong đợi vì thiếu sự liên kết với cộng đồng DN nội địa. Do vậy, năm 2014, cơ quan chức năng, nhất là chính quyền các địa phương cần chủ động hỗ trợ DN trên địa bàn tăng cường hợp tác, nhằm vào những mục tiêu cụ thể để tìm cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Trong đó, DN nội chủ động tìm hiểu khả năng đảm nhận đơn đặt hàng, trở thành nhà cung cấp linh kiện cho DN ĐTNN, từ đó bảo đảm doanh thu ổn định, tiến tới từng bước tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại.
Nhận định về diễn biến tình hình kinh tế của năm 2014, nhiều chuyên gia cho rằng, DN chưa thể phục hồi nhanh sau khoảng 3 năm điêu đứng, càng không thể xuất hiện sự đột phá nào và mức độ cạnh tranh vẫn khá cao trên thị trường. Nhưng, DN sẽ dần hồi phục theo hướng "chậm mà chắc". Đây là thời điểm cho từng đơn vị tự nâng cao sức cạnh tranh, nghiên cứu và triển khai những giải pháp đầu tư, quản trị mới, tìm thị trường mới để tái cơ cấu một cách triệt để và đón lõng khi nền kinh tế thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Năm 2014 Chính phủ sẽ chỉ đạo sử dụng hiệu quả các nguồn lực, hỗ trợ DN tối đa để đứng vững và phát triển như: Trợ giúp DN trong tìm vốn, làm chủ thị trường nội địa, ổn định sức mua của thị trường, bảo vệ nhà đầu tư… Đặc biệt là thúc đẩy công tác cải cách hành chính. Việt Nam cũng cam kết nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư - kinh doanh, gọi ĐTNN và chủ động tham gia hoạt động kinh tế đối ngoại với tinh thần quyết liệt hơn để tạo bước chuyển xứng đáng với sự mong đợi của giới DN. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.