(HNMO) - Ngày 23/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ tổ chức chương trình Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2012.
Trong 3 quý đầu năm 2012, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã bị chậm lại so với nhiều năm. Đáng chú ý, một số ngành trọng yếu đóng góp vào sự tăng trưởng GDP như nông lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ... cũng bị chậm lại. Trong đó, công nghiệp sụt giảm rất mạnh; Tính chung 9 tháng, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thu hút đạt được 9,52 tỷ USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm 2011. Số dự án đăng ký và cấp phép mới là 775 dự án (giảm 17,4%). Số vốn đăng ký mới đạt 6,1 tỷ USD (giảm 39%); Bội chi ngân sách dự kiến sẽ vượt dự toán dẫn đến không thể tăng lương như lộ trình trong năm 2013.
Các thách thức kinh tế vĩ mô năm 2012 được các chuyên gia đưa ra bao gồm: tăng trưởng kinh tế chậm lại; lạm phát tiếp tục biến động; các dòng vốn đầu tư không ổn định.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, các chính sách vĩ mô của Việt Nam được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều diễn biến không thuận lợi, qua đó đã có những tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam.
Mặc dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô mà Việt Nam đạt được trong giai đoạn vừa qua bước đầu cho thấy việc thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô năm 2012 về cơ bản là đúng hướng, từng bước tạo ra những yếu tố cơ bản cho sự ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, đáng chú ý là việc thực thi các chính sách tiền tệ một cách hợp lý đã góp phần ổn định được thị trường tiền tệ như: giảm mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường và cung cầu ngoại tệ, chấm dứt tình trạng thiếu thanh thoản trên thị trường. Đồng thời hỗ trợ tích cực chống suy giảm kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.