Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nên “đổ” tiền vào đâu?

Thanh Hương| 03/03/2016 10:30

(HNMO)-Thị trường bất động sản khởi sắc, giá vàng tăng, lãi suất huy động đi lên... Vì thế, “Nên “đổ” tiền vào đâu?” là câu hỏi được nhiều người đặt ra thời điểm này.


Thị trường bất động sản

Sau một thời gian dài đóng băng, hai năm qua thị trường bất động sản đã dần phục hồi và khởi sắc. Đến cuối năm 2015, lượng tồn kho bất động sản còn 50.889 tỷ đồng, giảm 54.100 tỷ đồng so với tháng 12/2014. Diễn biến này do lượng giao dịch thành công tăng, chủ yếu ở phân khúc căn hộ có diện tích vừa và nhỏ, đã hoàn thành, hạ tầng và tiến độ xây dựng tốt. Tại Hà Nội, có khoảng 19.350 giao dịch thành công, tăng 1,7 lần so với cùng kỳ 2014. Còn ở TP HCM, có khoảng 18.700 giao dịch thành công, tăng 1,8 lần. Như vậy, thị trường này đã có hai năm phục hồi khá tốt sau thời gian đóng băng.

Theo dự báo, năm 2016 thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phát triển với thanh khoản tốt. Với những tác động tích cực của nền kinh tế và xu hướng trở lại của các nhà đầu tư, giá giá bất động sản trong năm 2016 được dự báo tăng 5-10%.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, bất động sản hiện được coi là kênh đầu tư hấp dẫn bởi có mức sinh lời khá tốt và nhu cầu về nhà ở của người dân hiện vẫn rất cao. Theo chuyên gia này, nhà mặt đất có giá trị tốt bởi có sự riêng tư trong khi nhà chung cư không phải ai cũng thích, chỉ sở hữu khoảng không gian trong cả một quần thể, vì thế, đầu tư đất hoặc nhà mặt đất được cho là thuận lợi hơn chung cư. Kênh đầu tư này cũng cần vốn lớn và trường vốn. Tuy nhiên, chuyên gia  Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, thị trường bất động sản thường diễn biến theo chu kỳ, mà trong năm 2014-2015 giá bất động sản khá cao, và bây giờ có thể là chu kỳ đi xuống.

Điểm đáng lưu ý nữa với kênh đầu tư này là, Ngân hàng Nhà nước có thể siết tín dụng bất động sản nếu việc sửa Thông tư 36/2014 theo hướng giảm mạnh trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40%; và thay đổi hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản từ 150% lên 250% được thông qua. Theo đó, thị trường bất động sản sẽ gặp bất lợi vì có thể bị sụt giảm nguồn cung, làm tăng dự án dở dang, sản phẩm dở dang, bởi thị trường bất động sản đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân. Vì vậy, nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (mua đi bán lại), các doanh nghiêp phát triển dự án bất động sản sẽ bị ảnh hưởng.

Thị trường vàng

Vàng là mặt hàng có tính thanh khoản tốt nhưng kênh đầu tư này không còn hấp dẫn như trước bởi những năm gần đây giá liên tục giảm giá. Điển hình như năm vừa qua, giá vàng thế giới giảm hơn 10%, giá trong nước hạ 2,3 triệu đồng/lượng. Cùng với đó, sau khi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh trên thị trường vàng được ra đời, thị trường vàng trong nước đã đi vào nền nếp, mặt hàng này không còn chiếm vị trí độc tôn như trước.

Về diễn biến giá vàng trong năm 2016, đây vẫn là ẩn số bởi giá kim loại quý này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: giá dầu, tỷ giá, kinh hình kinh tế, tình hình địa chính trị trên thế giới. Theo dự báo giá vàng có thể đi lên nhưng không tăng đột biến. 


Tuy nhiên, trên thị trường thế giới, vàng đang trở thành kênh đầu tư có lợi nhất trong số các tài sản đầu tư từ đầu năm đến nay khi tăng tới 15%.Giá vàng đã có mức tăng tháng 2 (gần 10%)  tốt nhất trong nhiều năm qua bởi sự rối loạn trên thị trường chứng khoán thế giới và thị trường tài chính đã làm tăng nhu cầu tài sản trú ẩn an toàn của vàng. Tại thị trường trong nước, tháng 2 giá kim loại quý cũng "đội" đến 700.000 đồng mỗi lượng. Với diễn biến này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đầu tư vào vàng nên được xem xét nhưng kênh đầu tư này là khá rủi ro.

Gửi tiết kiệm

Đây được coi là kênh đầu tư an toàn nhất nhưng mang lại ít lợi nhuận. Trong năm qua, lãi suất huy động giảm khoảng 0,2-0,5%%/năm nhưng lạm phát ở mức thấp nên người gửi tiền vẫn hưởng thực dương.

Từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, nhiều ngân hàng rụch rịch tăng lãi suất huy động, hiện lãi suất ở mức khá cao, phổ biến là: kỳ hạn ngắn  có lãi suất 4,5-5,5%/năm; kỳ hạn dài là 6-7,5%/năm, thậm chí có nhà băng áp lãi suất 8%/năm. Trong khi đó, lạm phát hai tháng đầu năm ở mức thấp. Vì thế, gửi tiết kiệm thời điểm này vẫn được lợi.

(ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Thị trường chứng khoán


Thị trường này luôn nhạy cảm với các thông tin và lên xuống theo "sức khỏe" của nền kinh tế. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, thị trường chứng khoán không dành cho số đông, mà là sân chơi đặc thù, không phải ai cũng theo đuổi được, bởi người chơi cần có sự hiểu biết rõ về thị trường và cần có thời gian theo dõi để đưa ra quyết định tham gia cũng như rút lui đúng lúc. Nhiều bài học từ thị trường thời gian qua đã được rút ra. Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, thị trường chứng khoán hiện ở trạng thái không thuận lợi, bởi dòng vốn ngoại tiếp tục rút khỏi thị trường.

Thời gian qua, thị trường chứng khoán trong nước luôn rung lắc theo thị trường thế giới nhưng người viết cho rằng, nếu tìm hiểu kỹ mã cổ phiếu trước khi đầu tư, nhà đầu tư vẫn có thể có lợi nhuận dù thị trường diễn biến thất thường.

Mua USD


Sau khi cơ quan quản lý điều hành tỷ giá theo cơ chế mới, giá USD đi vào ổn định, không còn biến động như trước. “Giá USD biến động hàng ngày, có tăng có giảm, không thể dự đoán trước, vì thế, mua USD là “tự sát”, chuyên gia kinh tế Nguyên Minh Phong nói. Đó là chưa kể, không phải trường hợp nào cũng được kinh doanh ngoại tệ. Tuy nhiên, với những người có người nhà ở nước ngoài gửi USD về thì giữ USD hay chuyển ra VND để gửi ngân hàng đang là điều mà họ  băn khoăn. Các chuyên gia đưa ra lời khuyên, nên giữ một nửa,nửa còn lại đổi sang tiền đồng rồi gửi tiết kiệm để lấy lãi.

Có thể nói, việc đầu tư vào đâu phụ thuộc nhiều yếu tố như: Nguồn vốn lớn hay nhỏ, sở trường, kinh nghiệm, mong muốn, và mục tiêu của từng người. Nhưng có một nguyên tắc mà các chuyên gia không quên chia sẻ là “không bỏ hết trứng vào một giỏ”.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nên “đổ” tiền vào đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.