(HNM) - Theo Thông tư 27/2012/TT-BCA ngày 16-5-2012 quy định về mẫu Chứng minh nhân dân (CMND) của Bộ Công an, từ ngày 1-7-2012, sẽ đề tên cha mẹ trong CMND mới. Dự kiến ba quận của TP Hà Nội sẽ được thực hiện thí điểm, sau đó xem xét nhân rộng trên toàn quốc.
Thông tin này đang gây dư luận trái chiều. Cơ quan quản lý cho rằng, khi áp dụng mẫu CMND mới sẽ khắc phục được tình trạng một người sở hữu nhiều CMND khác nhau do chuyển hộ khẩu từ tỉnh, thành này sang tỉnh, thành khác. Ngoài ra, việc điền thông tin cha, mẹ vào CMND là để quản lý, tìm dữ liệu nhanh hơn vì mỗi người chỉ khác nhau dấu vân tay và tên bố mẹ.
Thế nhưng, xem ra, "cái lý" trên chưa ổn. Phần lớn những ý kiến phản đối đều nhắc đến nhóm đối tượng trẻ em mồ côi, con của những người vi phạm pháp luật hay sinh bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo sẽ trở nên tự ty khó hòa nhập với cộng đồng khi phải công khai thông tin cá nhân một cách bất đắc dĩ. Ngay cả những người không muốn cho biết cha mẹ hiện đang làm cán bộ cấp cao hoặc là một ngôi sao, một nghệ sĩ nổi tiếng, nhưng vì CMND có ghi thông tin trên đó nên không thể nào giấu được. Việc làm này cũng không phù hợp với điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2005, "người mẹ có quyền giữ kín thông tin về người cha".
Xét cho cùng, CMND chỉ là thẻ giao dịch dân sự. Và để xác nhận nhân thân theo yêu cầu của Bộ Công an thì cần thiết có đủ dữ liệu riêng để nhận dạng của bản thân người đó như tên, tuổi, nhóm máu, màu tóc, màu mắt… Bởi vậy, nếu muốn tìm hiểu về ai, cơ quan chức năng không thể tin tưởng tuyệt đối từ các thông tin về mỗi cá nhân và bố mẹ của người đó trong CMND mà vẫn cần giở hồ sơ lý lịch. Với kỹ thuật và công nghệ hiện hành, mỗi công dân đều có một mã vạch, chỉ cần bấm lên hệ thống sẽ biết toàn bộ thông tin của từng người, cần gì phải ghi tên bố mẹ lên CMND, vừa tốn mực, tốn giấy, vô tình phát sinh nhiều phiền toái cho người dân. Đó còn là chưa tính đến chuyện việc triển khai sẽ tiêu tốn tối thiểu 400 tỷ đồng.
Trong trường hợp này, khi dư luận và công luận đã lên tiếng, thì Bộ Công an cần có hình thức thăm dò dư luận để việc cấp CMND không chỉ thuận tiện cho quản lý mà còn bảo đảm tốt nhất quyền lợi của công dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.