(HNM) - Một trong những nội dung cử tri cả nước quan tâm hiện nay là vai trò giám sát của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và việc báo chí có được tham gia thực hiện vai trò này hay không. Bên lề kỳ họp chiều 9-6, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Đoàn Trà Vinh), thành viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã
- Trong dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND, Điều 18 có bổ sung quy định đại diện cơ quan chịu sự giám sát phải báo cáo giải trình tại kỳ họp… Đây là quy định mới, vậy nó có vai trò như thế nào?
- Quy định này thì tốt, nhưng phải xem điều kiện để thực hiện. Ví dụ như ở các cơ quan chuyên trách trung ương giám sát bộ, ngành thì phải quy định giải trình tại các ủy ban của Quốc hội hay giải trình ở Quốc hội. Nếu giải trình ở Quốc hội thì phải đưa vào chương trình, nếu không sẽ xảy ra chuyện các đoàn giám sát của các ủy ban đều đưa người đứng đầu đơn vị chịu sự giám sát vào giải trình thì sẽ không thể thực hiện hết được. Vì muốn giải trình trước Quốc hội thì nội dung đó phải có trong chương trình kỳ họp.
- Bà đánh giá thế nào về vai trò của báo chí với hoạt động giám sát?
- Tôi đánh giá cao vai trò của báo chí với hoạt động giám sát. Vì trong giám sát có sự trao đi đổi lại của đơn vị được giám sát và đoàn giám sát, báo chí sẽ góp phần đưa ra góp ý những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và việc thông tin này tôi nghĩ sẽ có hiệu quả hơn.
- Theo bà, báo chí có nên tham gia vào cùng các đoàn giám sát của Quốc hội?
- Tôi nghĩ không có gì khó khăn với việc này vì cần phải thông tin đa chiều. Chỉ có điều nên quy định bằng hình thức gì đó về số lượng cơ quan báo chí tham gia đoàn giám sát và một số hoạt động nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc phòng, bí mật quốc gia thì báo chí không được tham dự. Thậm chí để tốt hơn, báo chí có những bình luận, đánh giá kết quả thực hiện của đoàn giám sát đồng thời còn tuyên truyền pháp luật.
- Xin cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.