Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nên bỏ khái niệm nhà "tái định cư"

Người Quản Lý| 24/11/2011 07:19

Lâu nay, không chỉ dư luận xã hội bức xúc, ngay cả những người đã sống trong các khu nhà tái định cư đều rất mặc cảm về chất lượng nhà, dịch vụ và nhiều bất cập trong việc quản lý khu nhà.

Điều này kiểm nghiệm cũng đơn giản, vì đã có thực tế so sánh. Với các khu nhà ở chung cư thương mại, từ việc bảo hành nhà ở đến dịch vụ thu gom rác thải, vệ sinh môi trường... đều được cung ứng kịp thời, chu đáo, trong khi các khu nhà ở tái định cư ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, lại không được sửa chữa kịp thời... Lý giải cho sự khác biệt trên, nhiều người cho rằng, nguyên nhân là do nhà tái định cư được quản lý theo kiểu "canh chung không ai bỏ muối"?. Bàn giao nhà xong, dường như các bên đều hết trách nhiệm. Nhà hỏng, người dân báo cơ quan chủ quản, thì được chỉ sang gặp bên thi công; khi gặp bên thi công được chỉ sang gặp chủ đầu tư, chủ đầu tư lại bảo đã hết thời hạn bảo hành và "mách nước" sang gặp đơn vị quản lý, vì nhà đã bàn giao!? Và vì vậy không ít người cho rằng cái tên "tái định cư", đồng nghĩa là loại nhà giá rẻ, chất lượng thấp.

Như vậy, để giải quyết tận gốc vấn đề chất lượng sản phẩm nhà ở loại này, nên bỏ khái niệm nhà "tái định cư". Bởi, trên thực tế, ở một số tỉnh, thành phố khi giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng, họ đã không xây dựng quỹ nhà tái định cư, mà yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu nhà có chất lượng như nhà ở chung cư thương mại, sau đó bán lại cho các dự án di dân phục vụ giải phóng mặt bằng. Người dân được hướng dẫn và có quyền lựa chọn căn hộ phù hợp với khả năng tài chính và có thể mua được các căn hộ tương ứng với giá tiền đền bù mà họ đã nhận được.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nên bỏ khái niệm nhà "tái định cư"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.