Một số em học sinh (HS) sống tại các khu vực ven đường quốc lộ có trò nghịch phá, ném những viên đá lớn vào các phương tiện đang lưu thông trên đường. Hành động này nguy hiểm ra sao và nên bị xử phạt bằng cách nào? Chúng ta hãy lắng nghe ý kiến của các bạn HS và thầy cô nhé.
Em Đặng Quốc Việt (HS lớp 8A, Trường THCS Phú Thị):
- Em cũng đã đọc trên báo, xem tivi về việc các bạn HS tụ tập bên các đường quốc lộ lớn để chơi trò ném đá vào xe khách. Khi xe khách đang đi với vận tốc lớn, những viên đá này có thể gây thương tích nặng cho các hành khách trên xe. Trước đây, các bạn sống ở gần nhà em cũng có một trò nghịch nguy hiểm tương tự. Các bạn ấy tụ tập ở vỉa hè cầm súng đồ chơi bắn những viên đạn bằng hạt đậu vào người đi đường. Viên đạn bằng nhựa, tuy kích cỡ nhỏ nhưng khi bắn vào người đi xe máy, xe đạp cũng khiến người lái xe bị đau tay, chân dẫn đến ngã xe, thậm chí va vào nhau. Người lớn và bố mẹ các bạn ấy đã phải nhắc nhở nhiều lần thì các bạn ấy mới chấm dứt trò chơi nguy hiểm này. Do đó, để chấm dứt chơi trò ném đá xe khách, em nghĩ những người lớn sống ở khu vực này cần có biện pháp nghiêm khắc nhắc nhở, nghiêm cấm hành vi sai trái của các bạn ấy.
Em Lê Thị Ngọc Tú (HS lớp 7A, Trường THCS Yên Viên):
- Chú hàng xóm nhà em là lái xe khách, công việc rất vất vả. Em cũng nghe chú ấy kể lại, mỗi khi đi qua các đoạn đường quốc lộ mà gặp phải những viên đá to ném từ bụi cây trúng vào kính xe thì bản thân người lái xe gặp nguy hiểm mà hành khách trên xe cũng sưng đầu, mẻ trán. Một số bác lái xe còn bị ném đá chảy máu đầu, ảnh hưởng đến thị lực, thương tâm hơn có trường hợp em nhỏ ngồi trên xe khách bị mù mắt vĩnh viễn. Chắc hẳn khi rủ nhau chơi trò ném đá, các bạn không ý thức được hậu quả nghiêm trọng này.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc (giáo viên chủ nhiệm, Trường THCS Ngọc Lâm)
- Sau khi đọc những vụ việc các em HS rủ nhau chơi trò ném đá xe khách gây ra nhiều tai nạn nguy hiểm, tôi thấy rất đau lòng. Vụ việc này xảy ra có trách nhiệm rất lớn từ phía người lớn, cha mẹ, thầy cô, nhà trường. Ở lứa tuổi các em, chuyện nghịch phá là khó tránh khỏi nhưng khi đã gây ra hậu quả lớn thì cả bố mẹ, thầy cô cần có biện pháp xử lý mạnh hơn. Về phía bố mẹ và những người dân xung quanh cần tăng cường giám sát các khu vực gần đường quốc lộ để ngăn cản, cảnh báo con em mình không chơi ở đó, tìm ra những em hay tụ tập ném đá vào xe khách để nhắc nhở, có biện pháp xử lý. Em HS nào vi phạm sẽ bị nêu tên, bố mẹ phải chịu trách nhiệm hậu quả do con cái mình gây ra và yêu cầu gia đình, các em viết bản cam kết cấm tái phạm. Nhà trường, thầy cô cũng có biện pháp giáo dục các em về các hành vi nguy hiểm này rất có thể gây ra tai nạn cho người tham gia giao thông. Nếu phá hoại tài sản của công sẽ bị pháp luật xử lý ra sao, kiên quyết hạ bậc hạnh kiểm các em HS vi phạm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.