(HNM) - Lễ tang cựu Tổng thống Nelson Mandela sẽ được cử hành theo nghi thức cấp nhà nước và Nam Phi bắt đầu treo cờ rủ từ ngày 6-12 để tưởng nhớ
Thường được người dân gọi bằng cái tên trìu mến là "Tata" hay "Cha", cựu Tổng thống Nelson Mandela không chỉ được thế giới ngưỡng mộ bởi ông là tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi sau hơn 3 thế kỷ cầm quyền của người da trắng, là người anh hùng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mà còn là biểu tượng quốc tế cho tinh thần tự do, đoàn kết dân tộc và lòng vị tha.
Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. |
Sinh ngày 18-7-1918 tại một ngôi làng nhỏ ở phía đông Nam Phi, ông N.Mandela là một trong số 13 người con của một lãnh đạo bộ tộc Tembu. Sau khi tốt nghiệp Đại học Fort Hare và Đại học Witwatersrand chuyên ngành Luật, ông N.Mandela đã tham gia Đại hội Dân tộc Phi (ANC) vào năm 1943 và sau đó thành lập Liên đoàn thanh niên của ANC. Năm 1948, khi Đảng Dân tộc, với đa số là người Nam Phi gốc Châu Âu, giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, ông N.Mandela bắt đầu tham gia phong trào chống chính sách phân biệt chủng tộc của đảng này. Trong khoảng thời gian từ giữa những năm 50 đến đầu những năm 60 của thế kỷ trước, N.Mandela cùng 150 nhà hoạt động khác bị bắt, bị đưa ra xét xử vì tội phản quốc nhưng được tha bổng. Năm 1960, khi ANC bị cấm hoạt động, ông đã chuyển vào hoạt động ngầm, thành lập và lãnh đạo cánh vũ trang của ANC có tên gọi "Umkhonto we Sizw" (tạm dịch: Ngọn giáo của quốc gia). N.Mandela bắt đầu thời gian ngồi tù kéo dài 27 năm vào năm 1964, khi ông bị kết án 5 năm tù về tội rời Nam Phi trái phép và kích động các cuộc đình công. Một năm sau, ông bị kết án tù chung thân về tội phản quốc. Trong thời gian thụ án tại nhà tù đảo Robben ngoài khơi Cape Town, N.Mandela đã trở nên nổi tiếng và là biểu tượng mạnh mẽ của phong trào chống phân biệt chủng tộc. Các chiến dịch quốc tế kêu gọi trả tự do cho N.Mandela giành được sự ủng hộ rộng rãi và cuối cùng áp lực đã khiến chính phủ Nam Phi phải thả ông vào ngày 11-2-1990. Vào cuối năm đó, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch ANC và Chủ tịch ANC vào năm sau. Được bầu làm Tổng thống Nam Phi năm 1994, bằng sức mạnh của lòng vị tha và tinh thần hòa giải, ông đã hàn gắn hố sâu mâu thuẫn sắc tộc, mở ra kỷ nguyên mới cho Nam Phi sau hàng chục năm xung đột. Ông N.Mandela giành giải Nobel Hòa bình năm 1993 cùng cựu Tổng thống F.W.de Klerk nhờ nỗ lực chấm dứt chủ nghĩa Apartheid và đưa dân chủ, công bằng tới Nam Phi.
Ngay sau khi biết thông tin về sự ra đi của cựu Tổng thống N.Mandela, lãnh đạo nhiều quốc gia trên thế giới đã gửi lời chia buồn đến nhân dân Nam Phi. Tại phiên họp khai mạc chiều 5-12 (giờ Mỹ), toàn thể đại diện của 15 nước thuộc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã dành một phút mặc niệm ông N.Mandela. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã nhấn mạnh: "Tổng thống N.Mandela là biểu tượng vĩ đại của công lý, là cảm hứng của nhân loại. Ông đã cống hiến cả cuộc đời vì nhân dân Nam Phi và nhân loại. Cuộc đời đó là một sự hy sinh lớn cho cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân và phân biệt chủng tộc trên thế giới". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng cựu Tổng thống N.Mandela là "người bạn cũ của nhân dân Trung Quốc", người đã có những đóng góp lịch sử trong việc thiết lập quan hệ giữa Trung Quốc và Nam Phi. Chính phủ và nhân dân Trung Quốc bày tỏ sự tiếc thương và chia buồn sâu sắc tới gia đình cố Tổng thống N.Mandela và nhân dân Nam Phi. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng bày tỏ tiếc nuối trước sự ra đi của ông N.Mandela. Thông điệp phát đi từ Nhà trắng của ông B.Obama có đoạn viết: "Chúng ta đã mất đi một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng sâu rộng và là niềm tự hào của toàn nhân loại". Chủ tịch Liên minh Châu Âu (EU) Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso đã ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp của ông N.Mandela và cho rằng, nhà lãnh đạo này đã đưa đất nước Nam Phi tới con đường dân chủ và cống hiến cả đời cho cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc. Hai nhà lãnh đạo trên khẳng định, cựu Tổng thống Nam Phi đã để lại nhiều bài học về tầm quan trọng của sự hòa giải và cải cách xã hội...
Rõ ràng, với sự ra đi của cựu Tổng thống N.Mandela, Nam Phi không chỉ mất đi một vị anh hùng của dân tộc mà thế giới cũng mất đi một nhà chính trị lỗi lạc. Tuy nhiên, những gì ông đã làm không mệt mỏi trong suốt cuộc đời mình sẽ mãi là nguồn cảm ứng cho các cuộc đấu tranh vì tự do, công bằng, bình đẳng, công lý và nhân quyền. Đúng như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, người lãnh đạo nước Mỹ cùng thời điểm ông N.Mandela nắm quyền tại Nam Phi, khẳng định: "Lịch sử sẽ ghi nhớ Nelson Mandela là chiến sĩ đấu tranh vì phẩm giá và quyền tự do con người, vì hòa bình và hòa giải".
Việt Nam gửi điện chia buồn tới Cộng hòa Nam Phi Được tin ngài Nelson Mandela, nguyên Chủ tịch Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), nguyên Tổng thống Cộng hòa Nam Phi đã từ trần, ngày 6-12 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi điện chia buồn đến Chủ tịch Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), Tổng thống nước Cộng hòa Nam Phi Jacob Zuma. Điện chia buồn có đoạn viết: "Nelson Mandela là người con ưu tú, người chiến sĩ kiên cường, lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân Nam Phi, người đã dành cả cuộc đời mình và đã có những cống hiến hết sức to lớn cho cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Phi và nhân dân thế giới chống áp bức, bất công và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, vì tự do, công lý, bình đẳng và tiến bộ xã hội. Chúng tôi xin gửi tới Đảng Đại hội Dân tộc Phi, Nhà nước và nhân dân Nam Phi cũng như gia quyến Tổng thống Nelson Mandela lời chia buồn sâu sắc nhất. Chúng tôi tin tưởng rằng nhân dân Nam Phi sẽ biến đau thương thành sức mạnh đoàn kết, đưa Nam Phi vượt qua mọi thử thách và tiếp tục đạt nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp phát triển đất nước". |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.