Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nao nao áp Tết

Cao Hải Giang| 17/02/2015 06:25

(HNM) -



Những ngày cuối tháng Chạp, không khí chuẩn bị đón năm mới tấp nập trông thấy... Ít nhiều gì thì người Hà Nội vẫn muốn chuẩn bị cho cuộc sum vầy của gia đình một cách chu đáo. Ngay từ trước lễ tiễn ông Công, ông Táo, nhiều gia đình đã chọn mua những cành đào nhỏ, hoa đơm rực rỡ, vừa mang xuân về nhà sớm vừa "chìa tay" với những người trồng đào đang trong nỗi lo Tết chưa tới mà hoa đã vội khoe hương. Sau xe máy, trên xe buýt, đào sớm như nét duyên riêng của Hà Nội. Ngay cả những nhà có kế hoạch về quê ăn Tết với ông bà như gia đình chị Minh Hà, anh Đức Khang (ngõ 86/16/2 phố Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) cũng đã chuẩn bị cành đào đón Tết, trang trí nhà cửa, tạo không khí ấm áp cho tổ ấm riêng ở Hà Nội. "Tết đến, dù gì vẫn cần giữ nét phong tục đẹp", chị Minh Hà nói.

Không chậm rãi như trước rằm tháng Chạp, sức mua tăng cao trong những ngày cuối năm Giáp Ngọ. Thủ đô nhanh nhẹn hẳn lên, người người ngược xuôi mua sắm, chăm sóc mộ phần tổ tiên, trang hoàng nhà cửa... Ngày 25 tháng Chạp, người nối người thành hàng dài trước mấy chục quầy thanh toán tại siêu thị BigC Long Biên. Trong đó, hàng Việt xuất hiện với tỷ lệ lớn, trưng bày ở những khu vực rộng rãi, thuận tiện cho khách hàng. Những ngày qua, trên phố Lương Văn Can có bán nhiều áo dài, khăn xếp truyền thống của người Việt, có lúc người bán hàng phải dừng bữa trưa để phục vụ khách. Chị Trần Ái Linh (E3B, đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy) mua một lúc 6 bộ khăn áo truyền thống, hai bộ cho hai cụ và 4 bộ cho các con, các cháu. Chị phấn khởi: "Áo dài truyền thống có giá vừa phải, lại mang hương vị Tết xưa. Hơn nữa, năm nay đại gia đình tôi muốn tổ chức lễ mừng thọ cho hai cụ đều đã trên 80 vào đúng mùng 4 tháng Giêng nên cả nhà thống nhất là ngoài các cụ thì các cháu nhỏ sẽ dùng khăn áo truyền thống nhằm tạo không khí đặc biệt hơn mọi ngày". Người Việt giờ đón xuân với một cung cách khác xưa, thực tế hơn, bớt rườm rà và có xu hướng ưu tiên cho những giây phút sum họp gia đình. Nói về xu thế đón Tết hiện nay, chị Minh Hà chia sẻ: "Nhiều gia đình đã ý thức tránh lãng phí trong ăn uống, mua sắm, chú trọng nhiều hơn tới khoảng thời gian sum vầy với các thành viên trong gia đình. Ví như, trẻ con nhà mình giờ không quan tâm đến quần áo mới mà chỉ thích được gặp anh chị em họ...". Lại nhớ đến nhà thơ Vũ Quần Phương trong lần gặp cuối năm với niềm vui không giấu được trong ánh mắt bởi năm nay ông bà được đón người con trai từ Mỹ về vui Tết cùng gia đình. Chính là người con trai trong câu thơ năm xưa ông viết "Thằng Điềm mẹ bế ngày thơ bé/Thở khẽ trong màn bố lắng nghe"... Với ông bà, thế là mùa xuân đã về rồi!

Đường phố rực rỡ đón Tết. Ảnh: Viết Thành


Bên cạnh việc chuẩn bị Tết chu đáo nhưng tiết kiệm, xu thế quay về với phong vị truyền thống thể hiện khá rõ nét qua việc nhiều gia đình tự làm thực phẩm handmade (thủ công), nhất là các loại mứt, nước sốt rau quả. Chị em háo hức "khoe" trên mạng xã hội việc tự làm những mâm cơm cúng ông Công, ông Táo theo đúng phong tục truyền thống, lích kích một chút nhưng đẹp mắt, ngon miệng.

Lại nhớ, xuân Ất Mùi này đã là mùa xuân thứ 40 kể từ ngày đất nước thống nhất. Người dân Thủ đô cũng như người dân cả nước có thể còn không ít lo toan cho cuộc sống riêng, nhưng tất cả đều đang được tận hưởng một thứ hạnh phúc quý giá nhất là độc lập, tự do. Trong bối cảnh thế giới đầy những biến động, ta thấm thía hơn giá trị của một buổi sáng hòa bình, khi thức dậy bên nhau, vợ không phải tiễn chồng ra trận, con không phải mong tin cha từ chiến trường... Đại úy Trần Sao Mai (Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an) chia sẻ: "Gia đình chúng tôi thường đưa các con đi chơi, tranh thủ thời gian thư thái, vui vẻ bên nhau trong những ngày xuân năm mới. Hòa bình là điều mà mỗi chiến sĩ chúng tôi cũng như người dân chúng ta đều tha thiết mong mỏi". Cũng chung tâm lý dành ngày xuân cho gia đình, chị Thu Giang và anh Phương Huy (ngõ 77, đường Xuân La, Tây Hồ) đã cho các con đi thăm vườn đào Nhật Tân trong những ngày cuối năm, hưởng cái thú ngắm hoa và ngắm nhìn mọi người cùng dạo chơi vườn đào, chụp ảnh. Phương Đăng, con trai anh chị qua chuyến đi chơi còn được hướng dẫn cách phân biệt các loại hoa đào. Chắc chắn trong ký ức của Đăng, xuân Ất Mùi đến cùng không khí gia đình ấm áp, thú vị.

Hôm nay, đã rất gần rồi một năm mới, nghĩ lại những ngày áp Tết có hôm giời trở lạnh thấu thịt da, có hôm mưa lâm thâm, nhưng cũng có lúc hớn hở "chút nắng nhỏ trên hàng cây rét muộn" như hồi nào Bằng Việt cảm nhận về mùa xuân Hà Nội. Dù là thời tiết gì thì nó cũng vẫn xui người ta nhớ Tết, yêu Tết vì hơn hết thảy Tết là gia đình, một gia đình rộng lớn mà ngoài tình vợ chồng con cái thì còn tình cha mẹ, anh em, sâu xa nữa là tình đồng bào ruột thịt, tất cả cùng cầu mong mùa xuân hạnh phúc mãi mãi lưu lại trên đất nước mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nao nao áp Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.