(HNM) - Gần đây, một số bộ phim đã trở thành hiện tượng của nền điện ảnh nước nhà, khi ghi được những dấu ấn nhất định đối với thị trường điện ảnh thế giới. Kết quả này đã tạo ra cú hích, giúp các nhà sản xuất nỗ lực mở rộng quy mô thị trường, nâng tầm điện ảnh Việt trên trường quốc tế.
Với sự đầu tư khá toàn diện về nội dung, kịch bản, áp dụng công nghệ, kỹ xảo điện ảnh hiện đại…, phim Việt ngày càng được khẳng định về chất lượng, hấp dẫn người xem. Nhiều bộ phim đậm chất Việt đã trụ vững ở nhiều thị trường điện ảnh lớn trên thế giới. Không cần đặt vấn đề quá lớn lao, nội dung các bộ phim ăn khách này có điểm chung là chạm được đến cảm xúc khán giả, tình huống kịch tính, tạo cao trào cuốn hút người xem…
Ngay tại thời điểm này, phim “Bố già” của nghệ sĩ Trấn Thành và các cộng sự vẫn đang tiếp tục chinh phục khán giả không chỉ ở Singapore, Malaysia, mà đã ra rạp ở Melbourne (Australia) và nhiều nơi ở Mỹ. Trước đó, bộ phim “Hai Phượng” do nghệ sĩ Ngô Thanh Vân sản xuất cũng đã gây tiếng vang ở Mỹ, Canada… Và thêm hy vọng khi một số phim khác như “Lật mặt 5: 48h”, “Thiên thần hộ mệnh”… cũng đã đạt thỏa thuận phát hành ở nhiều quốc gia.
Những tín hiệu vui này giúp giới điện ảnh Việt Nam có thêm động lực và vững niềm tin trên con đường chinh phục khán giả nước ngoài. Song, chỉ dừng lại ở việc vươn ra ngoài biên giới là chưa đủ, mà mục tiêu hướng đến phải là “quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam”; "Phát triển điện ảnh Việt Nam theo hướng công nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế" như “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và "Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" đã đề ra.
Để đạt mục tiêu trên, điện ảnh Việt Nam cần được củng cố, phát triển đồng bộ và toàn diện trên mọi mặt. Trách nhiệm đầu tiên và cao cả thuộc về giới nghệ sĩ. Những bộ phim Việt đang “hot” ở nước ngoài đã cho thấy sự lăn xả, dấn thân, lao động nghệ thuật không ngừng nghỉ của cả ê kíp làm phim. Trong đó, ngay từ khâu xây dựng kịch bản, các nghệ sĩ đã phải xác định được “chỗ đứng” cho bộ phim. Không chỉ tăng doanh thu, thương hiệu cho ê kíp làm phim, những “món ăn” chất lượng quốc tế còn góp phần nâng tầm điện ảnh Việt Nam, giúp các nhà làm phim trong nước có thêm cơ hội thu hút đầu tư từ các hãng phim, các nhà sản xuất danh tiếng của nước ngoài.
Cùng với sự lao động miệt mài, nghiêm túc của giới nghệ sĩ, cần lắm sự đầu tư bài bản của Nhà nước trong việc xây dựng hành lang pháp lý để thị trường điện ảnh sôi động hơn, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Bên cạnh đó, sự đầu tư bài bản của Nhà nước về đào tạo nguồn nhân lực trong tất cả các khâu: Biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim, đạo cụ, kỹ xảo… cũng sẽ là trợ giúp quan trọng để điện ảnh nước nhà phát triển toàn diện, phù hợp xu hướng quốc tế.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến việc chọn và gửi phim tham dự vòng loại giải Oscar, các liên hoan phim quốc tế; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tăng tần suất phát hành phim Việt tại nước ngoài, cả ở các hệ thống rạp truyền thống cũng như trên nền tảng trực tuyến.
“Mang chuông đi đánh xứ người” với phim Việt là thử thách rất lớn, nhưng phù hợp với xu hướng hội nhập hiện nay. Do đó, tiếp tục phát huy những điểm mạnh, rút ra bài học và không ngừng nỗ lực, phim Việt sẽ vượt khỏi biên giới quốc gia, từng bước nâng tầm và định vị trên bản đồ điện ảnh thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.