Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng tầm công tác chỉnh trang đô thị đẹp và bền vững

Lan Hương| 24/12/2010 15:11

(HNMO) – Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình trong buổi họp tập thể UBND TP trong ngày 24/12, đóng góp ý kiến cho Kế hoạch chỉnh trang đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015.

(HNMO) – Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình trong buổi họp tập thể UBND TP trong ngày 24/12, đóng góp ý kiến cho Kế hoạch chỉnh trang đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015.

Đề xuất Kế hoạch chỉnh trang đô thị giai đoạn 2011-2015 với gần 3300 tỷ đồng dành cho 124 dự án

Tại buổi họp, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Trong thời gian qua, phục vụ cho công tác kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, TP đã ban hành các Kế hoạch 37/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chỉnh trang, nâng cấp và tăng cường trật tự đô thị phục vụ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; Kế hoạch số 59/KH-UBND về tăng cường, đẩy mạnh công tác bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn TP kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; các Quyết định phê duyệt danh mục các công trình, dự án chỉnh trang đô thị, trong đó đã giao kế hoạch thực hiện 130 dự án chỉnh trang, nâng cấp đô thị. Bên cạnh đó, về chỉnh trang nhà mặt phố, TP đã phê duyệt Đề án “Chỉnh trang sơn vôi, sơn cửa nhà mặt phố trên các tuyến phố kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”, xây dựng Kế hoạch và tập trung chỉ đạo Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện thực hiện chỉnh trang 75 tuyến phố trung tâm, các tuyến phố chính. UBND TP cũng đã chỉ đạo các ngành Xây dựng, Giao thông vận tải, Kế hoạch Đầu tư và Tài chính thường xuyên thực hiện việc kiểm tra triển khai các dự án.

Kết quả là, với Đề án hạ ngầm, sắp xếp các đường dây, cáp đi nổi, năm 2010, TP đã triển khai 29 dự án chỉnh trang tuyến phố; trong đó, chỉnh trang hạ tầng đồng bộ với hạ ngầm các đường dây, cáp đi nổi, tạo bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại trên một số tuyến phố chính như: Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Thái Học, Kim Mã, Phố Huế…


Đường Điện Biên Phủ trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

TP cũng triển khai 17 dự án cải tạo, chỉnh trang công viên, vườn hoa, quảng trường. Nhiều công viên, vườn hoa được xây dựng mới, cải tạo theo chương trình chỉnh trang của TP như Công viên Thống Nhất, vườn hoa Nguyễn Trãi (Hà Đông), vườn hoa Thị xã Sơn Tây…

Tiếp theo đó là 23 dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng đô thị cũng đã được triển khai phục vụ Đại lễ; Lập quy hoạch tuyến phố, thiết kế đô thị hai bên tuyến đường; Hoàn thành nghiên cứu cải tạo chỉnh trang kiến trúc mặt tiền (biển quảng cáo, biển hiệu) 2 tuyến phố Nguyễn Thái Học, Hai Bà Trưng; Sửa chữa, chỉnh trang phần mặt đường trên 24 tuyến phố; Chỉnh trang quét vôi, sơn cửa nhà mặt phố…

Nhìn chung, qua kết quả công tác chỉnh trang đô thị, chỉnh trang nhà mặt phố, bộ mặt Thủ đô đã đẹp và phong quang hơn ở các tuyến phố được chỉnh trang; tạo tiền đề cho mọi cá nhân, tổ chức có trách nhiệm trong việc gìn giữ và thực hiện nếp sống văn minh đô thị.

Tuy nhiên, Sở Xây dựng cũng nhìn nhận việc triển khai các dự án chỉnh trang đô thị ở một số quậnm, huyện, chủ đầu tư còn chậm, nhiều lúng túng do chưa có tính chủ động, quyết liệt. Việc triển khai hạ ngầm, sắp xếp đường dây, cáp đi nổi đồng bộ với chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật các tuyến phố là công việc phức tạp, khó khăn, đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, liên quan nhiều đơn vị ảnh đến tiến độ thực hiện chỉnh trang đô thị. Công tác thực hiện dự án theo phương thức xã hội hóa của các đơn vị còn mới được bắt đầu và chỉ có 3 đơn vị tham gia thực hiện. Năng lực của một số nhà thầu hạn chế, thiếu công nhân dẫn đến chậm tiến độ thi công công trình và giám sát của chủ đầu tư chưa thường xuyên, kiên quyết nên chất lượng hoàn trả hè đường ở một số hạng mục chưa đảm bảo chất lượng đồng bộ phải tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh cao độ nắp, miệng hố ga để đảm bảo chất lượng mặt đường. Hơn nữa là sự phối hợp giữa các sở, ngành với các chủ đầu tư trong việc cấp phép, phân luồng tổ chức giao thông, xử lý kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình thi công còn chưa chặt chẽ, đồng bộ…

Từ những kết quả và kinh nghiệm trên, Sở Xây dựng đề xuất Kế hoạch chỉnh trang đô thị giai đoạn 2011- 2015 để tập thể UBND TP góp ý. Theo đó, TP sẽ tiếp tục thực hiện hạ ngầm, sắp xếp đường dây, cáp đi nổi tại một số tuyến phố theo đề án của UBND TP từ trung tâm ra ngoài, liên hoàn, có tính hệ thống với các tuyến phố đã thi công trong khu vực; Rà soát, cải tạo chỉnh trang hạ tầng kỷ thuật các tuyến phố đồng bộ với chỉnh trang mặt nhà, mặt phố, góc phố; Rà soát, tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp một số quảng trường, công viên, vườn hoa trên địa bàn TP; Thực hiện chỉnh trang các tuyến đường phố chính, trung tâm, xuyên tâm; Tiếp tục đầu tư hệ thống chiếu sáng các ngõ, xóm các quận nội thành, chiếu sáng thị trấn, thị tứ…; Thực hiện đầu tư các dự án chỉnh trang đô thị theo phương thức xã hội hóa… Sở Xây dựng đề xuấtKế hoạch chỉnh trang đô thị giai đoạn 2011-2015 với gần 3300 tỷ đồng dành cho 124 dự án.

Kế hoạch chỉnh trang phải đồng bộ, bền vững

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Kế hoạch chỉnh trang đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho rằng: Một số nội dung cơ bản tạo ra chỉnh trang đô thị bền vững, trong kế hoạch chưa đề cập đến. Trong số các dự án được đề xuất thực hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhiệm vụ, giải pháp. Việc chỉnh trang đô thị phải đảm bảo mục tiêu là xây dựng đô thị bền vững, không thể bóc đi làm lại.

“Sở Quy hoạch Kiến trúc cần rà soát lại toàn bộ trên địa bàn TP Hà Nội những quy hoạch không khả thi. Ví như ở Trung tâm như Ba Đình còn một loạt quy hoạch không khả thi nhưng vẫn treo ở đó. Có những quy hoạch treo 10 năm, 30 năm. Quy hoạch gì mà làm kín hết cả nhà cửa, phố xá, khi dở ra thì là trung tâm thương mại. Các cơ quan chức năng không rà soát thì khổ dân, quản lý nhà nước khó” – Phó Chủ tịch bức xúc.

Mặt khác, góp ý vào việc tăng cường xây dựng đầu tư tuy-nel kỹ thuật để hạ ngầm, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh góp ý: “Chúng ta phải làm tuy-nen và cả hào kỹ thuật, thậm chí cả rãnh kỹ thuật, chứ đòi hỏi cả thành phố tuy-nen thì khó. Viễn thông chui vào hào kỹ thuật, mấy ông điện lực cứ ngênh ngang ở ngoài, thậm chí chui ráo cả vào nhà dân. Hạ ngầm mà bị trục trặc thì còn nguy hiểm hơn ở trên cao. Chúng tôi vừa chỉ đạobờ phải sông Tô Lịch khốn khổ. Ngay cả ở đường Văn Cao bây giờ ông điện lực có chịu vào đâu, cáp to như cổ tay cứ nghênh ngang ngoài đường... Ngoài ra, trong các Kế hoạch cũng cần đưa vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo, mặt nhà mặt phố góc phố cần chỉnh trang để bổ sung những dự án cụ thể.

Tham gia ý kiến tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh: Công tác chỉnh trang sẽ thực hiện đồng bộ từ trung tâm TP đi ra, xác định khu vực trọng tâm là Ba Đình, Hoàn Kiếm và các cửa ngõ đi vào thành phố. Các dự án chỉnh trang trong giai đoạn tới sẽ đồng bộ, bao gồm cả mảng kiến trúc, nhà siêu mỏng, siêu méo và biển quảng cáo (năm 2010, chỉnh trang tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, Ngọc Lâm đã xử lý cả phần kiến trúc với các nhà mặt phố)...

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Phí Thái Bình nhận định: Để chuẩn bị cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, trong thời gian qua TP đã làm được nhiều việc về chỉnh trang, được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Sở Xây dựng cần thống kê những việc đã làm được, nhất là tại các địa phương, cơ sở, để thấy rõđược sự quan tâm của TP và hiệu quả của công tác chỉnh trang.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực cũng đặt racâu hỏi là đã có cái cũ trong quy hoạch chỉnh trang chưa để thực hiện nó, hay phải xây dựng quy hoạch chỉnh trang giai đoạn mới? Theo đó, trong Đề án phải rà soát làm rõ những công việc thuộc về quản lý đô thị cần phải chỉnh trang; từ đó tiến hành lập quy hoạch, nếu đã có quy hoạch rồi thì thực hiện, chưa có phải xây dựng; Chú ý triển khai đồng bộ từ hè, đường, hạ tầng kỹ thuật, nhà mặt phố vì nếu nhà đẹp mà đường xấu hay ngược lại thì công tác chỉnh trang đô thị không đạt hiệu quả.

Riêng về vấn đề hạ ngầm, sắp xếp các đường dây cáp đi nổi, Phó Chủ tịch Thường trực lưu ý việc xem xét chỗ nào cần thiết thì hạ ngầm, chỗ nào chưa cần thiết chỉ cần bó gọn lại, vẫn đẹp mà đỡ tốn kém kinh phí.

Phó Chủ tịch Thường trực cũng đề cập đến việc các sở, ngành cần phân công nhiệm vụ, phân cấp quản lý đầu tư. Trong thời gian qua, việc phối hợp giữa các sở, ngành còn hạn chế; việc sử dụng chung hạ tầng giữa điện lực với các đơn vị viễn thông còn hạn chế…Rút kinh nghiệm từ những việc đã làm được và chưa làm được, từ đó triển khai công tác chỉnh trang trong giai đoạn tới phải tốt hơn. Mặt khác, trong kế hoạch chỉnh trang 5 năm tới cần quan tâm đến các các thị trấn, thị tứ ngoại thành, tạo sự tự hào, tự tin và ý thức bảo quản của nhân dân.

Cuối cùng, Phó Chủ tịch Thường trực yêu cầu Sở Xây dựng tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện kế hoạch; nâng tầm trong công tác quản lý, chỉnh trang đô thị theo hướng xây dựng TP ngày càng đẹp và phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm công tác chỉnh trang đô thị đẹp và bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.