Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng tầm cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải

Vân An| 22/06/2015 14:55

(HNMO) – Ngày 22/6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án bộ luật hàng hải sửa đổi. Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là xác định cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải.


Các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết phải ban hành bộ luật, phạm vi sửa đổi cũng như nhiều nội dung mới được đưa vào trong dự luật nhằm phát huy vai trò ngành hàng hải đối với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn mới, tạo chuyển biến căn bản, đột phá, thúc đẩy ngành hàng hải phát triển tương xứng với vị trí, tiềm năng.

Về các chính sách phát triển hàng hải, các đại biểu Quốc hội nhất trí cao với tinh thần xây dựng ngành hàng hải Việt Nam trở thành một ngành kinh tế phát triển nhanh, bền vững, đóng góp tích cực vào yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia và hội nhập quốc tế, tạo bước đột phá cho sự phát triển của ngành hàng hải Việt Nam trong thời gian tới đây, thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tiến tới đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển và giàu lên vì biển.

Để thực hiện được chính sách này, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các điều luật cho chặt chẽ hơn, đảm bảo khắc phục được các bất cập của luật hiện tại, đồng thời bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của dự án luật này với các luật mới được Quốc hội ban hành như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật đầu tư công, Luật phí, lệ phí tới đây ban hành, Luật giá và Bộ luật dân sự (sửa đổi), tương thích của dự luật này với các điều ước công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với các thông lệ quốc tế đã và đang được áp dụng.

"Luật hàng hải (sửa đổi) cần quan tâm tạo hành lang pháp lý xử lý một số vấn đề bức xúc phát sinh trong thực tiễn, như tình trạng tồn đọng hàng ngàn container rác thải công nghiệp từ nước ngoài vào Việt Nam dưới dạng tạm nhập, tái xuất tại các cảng, gây ô nhiễm môi trường, chiếm dụng kho bãi... mà chưa thể xử lý do thiếu chính sách, thiếu hành lang pháp lý, thiếu chế tài xử lý. Hay tình trạng các hãng tàu áp đặt thu phụ phí theo cước vận tải biển vô tội vạ với các doanh nghiệp Việt Nam mà không có sự kiểm soát của bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào", đại biểu Nguyễn Phi Thường - TP. Hà Nội đề xuất.



Về cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải, các đại biểu đề nghị dự luật cần quy định cụ thể hơn.

“Dự thảo luật quy định:"Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải trực thuộc Bộ giao thông vận tải, giúp Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải thực hiện quản lý nhà nước về hàng hải trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật" là chưa đầy đủ. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải ở đây là cơ quan nào? Hiện nay, Cục hàng hải Việt Nam là cơ quan chuyên ngành trực thuộc Bộ giao thông vận tải, là đơn vị thực hiện quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải. Do vậy, Ban soạn thảo bcần ổ sung Cục hàng hải Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải vào dự luật”, đại biểu Nguyễn Viết Nhiên - TP Hải Phòng nói.

Cũng có ý kiến đề nghị nâng Cục hàng hải Việt Nam lên thành Tổng cục hàng hải Việt Nam cho phù hợp với nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn mới, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với chuyên ngành này.

“Tôi đề nghị nâng cấp cơ quan giúp Bộ giao thông vận tải thực thi quản lý chuyên ngành hàng hải Việt Nam hiện nay là Cục hàng hải Việt Nam lên thành Tổng cục hàng hải Việt Nam như là chúng ta đã ghi nhận Tổng cục hàng không dân dụng Việt Nam là nhà chức trách hàng không Việt Nam; Xác định rõ địa vị pháp lý, những nội dung phân cấp cho cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng hải và quy định cụ thể mối quan hệ giữa Tổng cục hàng hải với cảng vụ hàng hải, các lực lượng tổ chức có liên quan thực hiện minh bạch trách nhiệm, quyền hạn của mỗi tổ chức, cá nhân đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải cả Trung ương và địa phương”, đại biểu Chu Sơn Hà – TP. Hà Nội nói.

“Với tầm quan trọng về phát triển cảng biển của Việt Nam, tôi đề nghị ít nhất cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải phải là là tổng cục, ở những cụm cảng lớn phải có cơ quan của tổng cục nằm ở đây, có thể là cục, để thực hiện chức năng quản lý và nối kết tất cả hoạt động, chứ không chỉ có một hoạt động là cảng, vì chúng ta thực hiện hoạt động hàng hải trên tất cả lĩnh vực, toàn bộ các chuỗi vận tải biển, kể cả logistic…” đại biểu Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh nói.

Bên cạnh đó, về quy định đối với tầu ngầm dân sự, ụ nổi, các kết cấu nổi, kho chứa nổi và dàn di động, các đại biểu đề nghị dự luật cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn đối với các phương tiện này vì đây là những phương tiện có tính chất đặc thù với nước ta, mới xuất hiện và đang gặp nhiều vướng mắc trong việc đăng ký, đăng kiểm và hoạt động.

Các đại biểu cho rằng, trong tương lai không xa, nhu cầu sử dụng phương tiện này sẽ gia tăng, nhằm phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, dịch vụ du lịch và hoạt động dân sự khác, nếu không có các quy định cụ thể, thống nhất để điều chỉnh, quản lý hoạt động đối với các phương tiện này, sẽ phát sinh nhiều vướng mắc khó khăn. Do đó, Ban soạn thảo nên nghiên cứu bổ sung một chương riêng quy định về vấn đề đăng kiểm, cấp phép hoạt động, quản lý các loại phương tiện thiết bị đặc thù, kết cấu nổi chuyên dùng vì nhóm đối tượng này có những đặc thù về hoạt động, các đặc tính không giống như các tầu biển thông thường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm cơ quan quản lý nhà nước về hàng hải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.