(HNM) - Thời gian qua, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã góp phần hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhằm nâng cao hiệu quả triển khai cuộc vận động, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi nhanh nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26-10-2021 về việc tăng cường thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.
Hàng Việt chinh phục người tiêu dùng
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga nhận định, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai từ năm 2009 và đến nay đã mang lại những kết quả tích cực. Điều này thể hiện rõ trong việc phát triển mạng lưới phân phối, đưa tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống phân phối hiện đại lên hơn 80% và kênh truyền thống lên hơn 60%. Đặc biệt, cuộc vận động đã tạo ra những mối kết nối chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu dùng, từ các doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương… Đây chính là nền tảng để có thể triển khai ổn định những hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong 4 đợt dịch Covid-19 kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay.
Cùng quan điểm, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, cuộc vận động đã góp phần khích lệ, động viên doanh nghiệp đổi mới công nghệ và cách thức quản lý, đồng thời ý thức được việc phải chinh phục người tiêu dùng bằng sản phẩm chất lượng cao, hình thức đẹp, giá thành phù hợp. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng đóng vai trò tiên phong trong kết nối tiêu thụ nông sản, hàng hóa trong nước không thể xuất khẩu được trong giai đoạn khó khăn nhất do ảnh hưởng của dịch bệnh.
“Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đã triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường, như: Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các điểm bán hàng nhằm giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng hóa đặc trưng của các tỉnh, thành phố…”, bà Nguyễn Thị Mai Anh thông tin thêm.
Bà Hoàng Lan Anh (trú tại ngõ 25 phố Nguyễn Thị Định, quận Cầu Giấy) nhận xét: "Hàng Việt Nam ngày càng được ưa chuộng và đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Hơn nữa, việc người dân ưu tiên sử dụng các mặt hàng sản xuất trong nước không chỉ tiết kiệm chi tiêu mà còn góp phần chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp”.
Nâng cao hiệu quả cuộc vận động
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phải thẳng thắn nhìn nhận, chất lượng, mẫu mã và giá cả của nhiều hàng hóa Việt Nam chưa hấp dẫn người tiêu dùng; còn tình trạng hàng giả, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn ảnh hưởng tới đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước…
Nhằm nâng cao hiệu quả cuộc vận động, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi nhanh nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26-10-2021 về việc tăng cường thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Chỉ thị nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện các giải pháp khuyến khích, định hướng tiêu dùng và vận động nhân dân tích cực sử dụng hàng Việt Nam; các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội ưu tiên mua hàng Việt Nam khi có nhu cầu mua sắm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách; vận động các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong nước ưu tiên mua sắm, sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được và dịch vụ trong nước bảo đảm chất lượng.
Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, các giải pháp quan trọng là tiếp tục nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; từng bước phát triển thương hiệu hàng Việt Nam không chỉ tại thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường thế giới. Những giải pháp này cần được thực hiện đồng bộ, quyết liệt để đạt hiệu quả cao, bền vững.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga, cơ quan quản lý sẽ rà soát các chính sách, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử, thiết lập các kênh phân phối hàng hóa, phát triển thị trường nội địa; kiểm soát thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Về phía thành phố Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Nguyễn Lan Hương cho biết, Hà Nội đã có kế hoạch tôn vinh sản phẩm, dịch vụ được bình chọn là “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” kết hợp khai mạc chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội năm 2021. Đặc biệt, các hoạt động của cuộc vận động sẽ gắn với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất của thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.