Những bước chân Lạc Long Quân xuống biển. Những bước chân Âu Cơ lên non… Biti’s nâng niu bàn chân Việt. Tôi không nhớ rõ nhưng đại loại đây là đoạn quảng cáo khá quen thuộc trên truyền hình của một công ty sản xuất giày dép. Chỉ có điều phần lớn người tiêu dùng vẫn cứ chọn giày dép Trung Quốc mà mua, mà vận.
Sản xuất giày thể thao trên dây chuyền hiện đại tại Cty Giày Thượng Đình
Giá cả + mẫu mã = sức mạnh
Hàng Dầu- phố bán giày bình dân, Tôn Đức Thắng- phố bán giày mới, rồi Chùa Bộc, các loại quầy bán giày vỉa hè... ở Hà Nội đều thấy ngợp mắt sản phẩm made in China. Thôi thì đủ kiểu, mẫu mã phong phú từ giày da đến giày thể thao, từ cao cấp (đoán qua mẫu mã, giá niêm yết và cam kết của chủ hàng) đến loại làng nhàng, từ giày nam đến giày nữ, giày người già, trẻ con... Giá mỗi đôi bình dân không hề đắt, chỉ từ vài chục đến 100 - 200 nghìn đồng. Giày Trung Quốc với chất liệu đa dạng, kiểu dáng bắt mắt, trẻ trung, đánh trúng tâm lý sính thời trang, thích thay đổi của giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên nên dễ hiểu là được tiêu thụ mạnh. Đối với giày tây, cách đây bốn năm khi người tiêu dùng vẫn còn đang chung thuỷ với loại mô- ca mũi ngắn thì giày Trung Quốc ào tới với loại mũi vuông, sau đấy là mũi vuông dài và đến giờ là giày mũi nhọn theo kiểu truyền thống. Còn giày thể thao thì mốt gần như thay đổi theo tháng. Các cửa hàng, cửa hiệu nhập hàng mới liên tục. Trong khi đấy, sản phẩm nội địa cùng ngành vẫn chân chất và hiền lành, kiểu dáng không thay đổi, chất liệu gần như vẫn giữ nguyên.
Không chỉ thanh niên ào đến với thời trang giày Trung Quốc mà lứa trung niên cũng vui vẻ đón nhận. Chưa bàn đến chất lượng nhưng chỉ riêng hai yếu tố mẫu mã đủ loại, thay đổi liên tục, “cập nhật” liên tục và giá cả phải chăng đã đủ thoả mãn người tiêu dùng.
Tại những hiệu giày vẫn trương biển “giày tây” xịn (của I- ta- li- a, Đức...), theo nhiều người sành sỏi và chính dân buôn thì phần lớn là giày Trung Quốc “trung ương”. Trông giày khôn hơn, đường chỉ khéo hơn, da thật hơn nên giá cũng đắt hơn. Nhiều đôi đẹp, lên tới cả triệu đồng, dù đắt vẫn thu hút khách hàng hơn sản phẩm vừa không rẻ mà mẫu mã đặc sệt vẻ “chân chỉ hạt bột” của các nhà sản xuất giày nước ta.
Tôi cũng vận giày Trung Quốc, cả giày tây lẫn giày thể thao, không chỉ bởi nó phù hợp với thu nhập mà còn dễ tìm, mẫu mã lại bắt mắt, khi đi cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Hôm 20- 11 vừa rồi, để tặng mẹ là nhà giáo đôi giày, tôi đã phải khảo hàng chục hiệu giày và sau cùng mua tặng bà một đôi của Trung Quốc (cô bán hàng cho biết thế) vì sản phẩm của Vina Giày, của một số doanh nghiệp khác thì kiểu dáng vừa cũ mà giá lại cao. Đồng nghiệp cùng cơ quan cũng nhiều người vận giày Trung Quốc. Nhiều lúc thấy ái ngại bởi mình là người Việt thì nên dùng hàng Việt (!).
Giày Việt Nam bao giờ mới làm chủ tại "sân nhà"?
Trong khi đó, da giày đang là một trong những ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn, đem lại hàng tỷ USD kim ngạch mỗi năm.
Thiếu một cách nhìn
Một trong những lí do ngành Da giày giải thích tại sao giá giày dép Việt Nam lại cao hơn sản phẩm cùng loại của Trung Quốc là các doanh nghiệp trong nước phải phụ thuộc nguồn nguyên liệu ngoại nhập. Thế nhưng về mẫu mã thì xem ra có gì đó chưa ổn. Hiệp hội Da giày Việt Nam cũng thừa nhận, các doanh nghiệp Việt Nam thực sự yếu kém ở khâu thiết kế mẫu mã. Nói cách khác, nhà sản xuất gần như không nắm được tâm lý, thị hiếu của người tiêu dùng để thiết kế kiểu dáng, mẫu mã phù hợp, chưa kể một số còn thuê các nhà thiết kế nước ngoài. Và thế là trong khi đối thủ cạnh tranh đến từ Trung Quốc liên tục tạo ra những trào lưu mới thì các doanh nghiệp nước ta hoặc buông xuôi hoặc chạy theo, vừa chạy vừa hụt hơi. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là cách các doanh nghiệp da giày nhìn nhận thị trường nội địa. Sau đây là khảo sát về hai công ty sản xuất giày lớn:
Công ty Da giày Việt Nam: Tính đến hết tháng 10- 2004, kim ngạch xuất khẩu trên 15,2 triệu USD; sản phẩm giày thể thao và dép đi trong nhà lần lượt là 1.919.796 đôi, 836.542 đôi. Một nhân viên Phòng Kế hoạch- Thị trường cho hay, công ty gần như không kinh doanh tại thị trường nội địa.
Một công ty sản xuất da giày ở TP Hồ Chí Minh: Tính đến hết tháng 11- 2004, xuất khẩu hơn 1,2 triệu đôi giày các loại, đạt kim ngạch 10,5 triệu USD. Lãnh đạo công ty này cho hay, sản lượng tiêu thụ nội địa chỉ chiếm khoảng 2- 5% tổng sản phẩm.
Đã đến lúc ngành Da giày cần tập trung mà “cày cuốc sân nhà”, thị trường rộng lớn, sức mua cao với 80 triệu người tiêu dùng. Xuất khẩu cũng tốt, nhưng bán được ngay ở “nhà” còn tốt hơn. Giày Trung Quốc hiện đang chiếm lĩnh thị trường song không phải không có điểm yếu: Chất lượng hạn chế. Nếu các doanh nghiệp da giày đón được thị hiếu của người tiêu dùng thì sự chênh lệch không đáng kể về giá cả không phải là khó khăn không thể vượt qua.
Bao giờ được nâng niu bàn chân Việt?
Nâng niu bàn chân Việt thực sự là một sứ mệnh, một tham vọng, một chiến lược đúng đắn của các công ty sản xuất giày dép, trong đó có Biti’s. Nhưng dường như không nhiều người nhận ra điều này. Vì thế, các sản phẩm mang thương hiệu Biti’s đều cố gắng mang tới sự mới mẻ, phong phú về mẫu mã, sự linh hoạt về giá cả. Chẳng hạn, giày thể thao Biti’s có đặc điểm nhẹ, êm chân, thông thoáng, mũ quai có thể co dãn được, có lỗ khí bảo đảm không bị ẩm ướt, tạo sự thoải mái, mát mẻ. Phần đế ngoài của giày được thiết kế hoa văn đặc biệt, lớp đế trong mềm, độ bền cao. Loại giày tây cũng đa dạng, phong phú với nguyên liệu có chất lượng, kiểu dáng phù hợp. Đây là sức mạnh của đối thủ cạnh tranh đến từ Trung Quốc, tất nhiên mẫu mã sản phẩm của Biti’s chưa phong phú bằng, giá cả không mềm hơn. Vả lại, năng lực sản xuất của Biti’s cũng có hạn (khoảng 8,3 triệu đôi mỗi năm) mà một tỷ lệ tương đối được bán ở nước ngoài (có Trung Quốc).
Cùng với Biti’s, Vina Giày, T&T cũng đã xác định sự cần thiết phải nhắm vào mục tiêu là thị trường nội địa. Ông Vũ Văn Minh, Tổng Giám đốc Vina Giày thừa nhận rằng, nếu cứ tìm kiếm cơ hội làm ăn qua xuất khẩu thì chi bằng các nhà sản xuất da giày nên tập trung thỏa mãn nhu cầu của 80 triệu người tiêu dùng trong nước, vừa đòi hỏi đầu tư ít hơn vừa hạn chế rủi ro.
Trong năm 2005, ngành Da giày sẽ sản xuất 470 triệu đôi giày dép các loại, phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu chừng 3 tỷ USD, song bao nhiêu phần trăm sản lượng được tiêu thụ trên “sân nhà” đang để cho hàng Trung Quốc mặc sức hoành hành? Nâng niu bàn chân Việt không còn là sứ mệnh của Biti’s mà của cả ngành Da giày. Nâng niu bàn chân Việt cũng không còn là một sứ mệnh nữa mà trong hoàn cảnh hiện tại, đặt ra vấn đề đó thực sự là tham vọng. Năng lực hạn chế, không biết bao giờ ngành Da giày mới độc tôn ngôi vị nâng niu bàn chân Việt?
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.