Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nặng nghĩa cộng đồng

Văn Xuân| 11/12/2010 06:47

(HNM) - Nhắc đến nghệ nhân của làng nghề mây tre đan nổi tiếng Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) thì không thể không nhắc đến ông Nguyễn Văn Trung - một trong những người đã vinh dự được chọn để phục chế chiếc ghế mây của Bác Hồ những năm về trước.

Đối với ông, một nghệ nhân - người khuyết tật (từ nhỏ) thì những bức tranh chân dung Bác Hồ đan bằng mây cùng việc truyền nghề cho thế hệ tương lai là niềm đam mê lớn của đời mình.

Bắt duyên với nghề để lo cho cuộc sống làm sao "tàn mà không phế" đã là điều khó, cho đến khi thành nghề, trở thành nghệ nhân, đối với ông Trung đó là cả một quá trình đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Sau này, mở công ty, làm ăn tấn tới, nhưng ông vẫn giữ niềm đam mê và sở thích riêng đó là dành thời gian, tâm huyết đan chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nguyên liệu mây, tre. Theo ông Trung, niềm đam mê này "đã ngấm vào suy nghĩ, máu thịt". Cho đến nay, ông đã chế được trên 200 bức chân dung Bác Hồ từ chất liệu mây, tre, giang. Trong số đó có bức chân dung đặc biệt, kích cỡ lớn nhất (1,6x2,1m), được đưa đi triển lãm tại nhiều nơi… Để thể hiện được sinh động các bức chân dung đó, ông Trung đã dành thời gian tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của Người. Tấm gương Bác là nguồn sức mạnh giúp ông vươn lên trong cuộc sống, phấn đấu đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, thể hiện rõ trong việc truyền nghề cho lớp trẻ…

Bản thân là một người khuyết tật, được gia đình, xã hội, cộng đồng động viên, giúp đỡ trưởng thành nên ông Trung nghĩ "phải làm gì để giúp địa phương, xã hội, giúp mọi người có cuộc sống tốt hơn". Và quan trọng hơn nữa là làm sao bảo tồn được nghề mây, tre đan truyền thống của quê hương không bị mai một. Xuất phát từ suy nghĩ đó, năm 2007, ông Trung đã quyết định thành lập Trung tâm Dạy nghề nhân đạo Phú Vinh. Mở trường, lớp học giúp ông có nhiều cơ hội truyền nghề, tạo việc làm cho lao động có nhu cầu. Đối tượng đến học nghề tại trung tâm chủ yếu là những người tật nguyền, lao động trẻ và lao động dôi dư, có hoàn cảnh khó khăn ở trong làng, ngoài xã và ở cả những địa phương khác. Những lớp học tại Trung tâm Dạy nghề nhân đạo Phú Vinh đều được ông Trung trang bị bằng tiền túi của mình. "Đối với những học viên khuyết tật, lao động trẻ có hoàn cảnh khó khăn, tôi nhận dạy nghề miễn phí. Nếu em nào có nguyện vọng ở lại làm việc, tôi luôn sẵn sàng tiếp nhận. Vì bản thân tôi cũng là người khuyết tật nên rất cảm thông với những người có số phận không may mắn" - ông Trung bộc bạch. Từ đây, nghề truyền thống của quê hương tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Nghị lực vươn lên, tấm lòng và sự sẻ chia với cộng đồng của ông Nguyễn Văn Trung khiến mọi người nể phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nặng nghĩa cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.