(HNM) - Mới có tin về việc rà soát 24 nhóm thủ tục hành chính trong năm nay, do Văn phòng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện.
Lại có tin Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao cho Bộ Công an chủ trì việc nghiên cứu xây dựng phương án cấp mã số công dân cho người dân Việt Nam.
Đó đều là những tin đáng mừng, thể hiện quyết tâm tháo gỡ bất cập hiện nay nhằm giảm thiểu gánh nặng về thủ tục hành chính và sự phiền hà cho người dân và doanh nghiệp… Nói đáng mừng là bởi hiện nay, thủ tục hành chính vẫn là điều làm phiền lòng nhiều người và cái khoản "giấy tờ tùy thân" ở ta còn được hiểu và vận dụng khá thiếu thống nhất. Tùy người, tùy công việc, ngành nghề nhưng trong người mỗi cán bộ, công chức Việt Nam dễ chừng lúc nào cũng có gần chục loại giấy tờ cá nhân, đủ loại có dán ảnh hay không mà thông thường là chứng minh nhân dân, thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, đăng ký mô tô - xe máy, chưa kể thẻ ngành, giấy chứng nhận hội viên của tổ chức hội, đoàn thể…
Nhiều là thế nhưng có những người cả năm không cần động đến bất cứ loại giấy tờ gì trong số nói trên. Còn khi cần, có khi từng ấy thứ cũng vẫn là thiếu, dù đã trưng ra đủ loại giấy tờ, có cả chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu rồi mà vẫn phải thêm… hóa đơn điện, nước. Người thật mà cứ như giả, phiền toái đã đành mà hiệu quả quản lý không cao, do thiếu nguồn cung cấp dữ liệu cá nhân đủ tin cậy. Nay có chuyện mã số công dân, mà khi thực hiện thì chắc chắn trong nó có sự tích hợp thông tin về cá nhân, tức có thể thay thế cho nhiều loại "giấy tờ tùy thân", đỡ lỉnh kỉnh, dễ dùng chung trong nhiều trường hợp mà lại tiện cho công tác quản lý theo hướng hiện đại hóa. Như ở nhiều quốc gia trên thế giới, mỗi công dân sẽ được cấp mã số riêng, kể từ khi sinh ra và Nhà nước quản lý người dân theo mã số này. Khi cần, căn cứ theo mã số công dân đã được cấp, cơ quan quản lý có thể truy xuất thông tin về cá nhân đó thông qua hệ thống dữ liệu quốc gia, phục vụ nhanh chóng và hiệu quả cho công tác quản lý.
Thủ tục hành chính ở Việt Nam nói chung đã được đơn giản hóa khá nhiều trong vòng chục năm qua, nhưng giờ vẫn còn nhiều hạn chế. Như chuyện "một cửa" chẳng hạn. Văn phòng "một cửa" là nơi tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu của nhân dân là một bước tiến bộ trong cải cách hành chính nhưng trong thực tế tại một số nơi, "một cửa" dường như mới chỉ mang tính hình thức. Đâu đó vẫn có sự vẽ vời, đòi hỏi, thêm bớt thủ tục và cái sự phiền toái dẫn đến nỗi ám ảnh của công dân mỗi khi có việc liên quan, đặc biệt là động đến lĩnh vực đất đai, xây dựng… Nhiều khi chỉ nghe đã thấy ngại.
Chủ trương, đường hướng, tầm nhìn vĩ mô có đúng, chính xác đến đâu thì kết quả, hiệu quả cũng phụ thuộc vào chất lượng triển khai thực hiện. Như với vấn đề mã số công dân, hiệu quả của nó không thể chỉ dừng ở quản lý dân số thông thường, mà hướng tới mục tiêu tích hợp thông tin cá nhân nhằm phục vụ công tác quản lý xã hội một cách thống nhất. Muốn vậy thì các bộ phận liên quan cũng phải chuyển, cùng hướng tới mục tiêu chung nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng trong thực tế chứ không thể chỉ là cấp một tấm thẻ rồi thôi. Cũng như rà soát thủ tục hành chính là một bước cần, nhưng điều kiện "đủ" là đội ngũ "công bộc của dân" khi áp dụng tinh thần cải cách vào thực tế đời sống phải làm tròn bổn phận, nếu không, những hình thức cải cách không thể đem lại sự hài lòng trọn vẹn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.