Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năng lực nắm bắt khoảnh khắc - Chưa đủ!

Đặng Thủy| 20/04/2014 06:32

(HNM) - Yếu tố quyết định của ảnh nghệ thuật nằm ở đâu? Làm thế nào để tạo ra một bức ảnh có tính nghệ thuật cao, vượt qua sự tầm thường của một bức ảnh ghi chép?



Cuộc hội thảo "Nhiếp ảnh nghệ thuật với thực tiễn cuộc sống", do Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội tổ chức mới đây góp phần giải đáp nỗi băn khoăn của nhiều người.

Tác phẩm nghệ thuật “Cảm xúc Hà Nội” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Xuân Chính giành HCB trong cuộc thi: Hà Nội: Đổi mới - phát triển và hội nhập”.


Tiêu chí không rõ ràng

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồng Trọng Mậu - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật thuộc Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật (NANT) Hà Nội cho biết: Những năm gần đây, phong trào nhiếp ảnh tại Thủ đô phát triển khá rầm rộ, nhưng yếu tố nghệ thuật có phần lơi lỏng, nhất là với những anh em mới vào nghề. Vậy nên, dù nội dung có tốt bao nhiêu nhưng cách thể hiện không đạt chất lượng nghệ thuật thì tác phẩm nhiếp ảnh cũng khó đi vào lòng người.

Theo nghệ sĩ Cao Minh, Phó trưởng ban Lý luận phê bình, Hội NANT Hà Nội lâu nay vẫn có sự nhập nhòa về tư duy nghệ thuật. Không ít triển lãm mang tiêu chí rõ ràng là nghệ thuật nhưng một số ảnh trong đó lại hoàn toàn không có yếu tố nào gần với nghệ thuật, chỉ là phản ánh cuộc sống hay con người một cách thuần túy, đạt chuẩn kỹ thuật mà thôi.

Cũng có nhiều ý kiến khác cho rằng, nhìn vào đội ngũ sáng tác ảnh nghệ thuật Việt Nam hiện nay thì có thể thấy rõ sự đông mà không mạnh. Các nhà chuyên môn phải thừa nhận rằng, nhiếp ảnh nghệ thuật trong thời gian qua vẫn quanh đi quẩn lại với những mô týp quen thuộc, chưa có bước đột phá. Nhiều cuộc triển lãm ảnh không gây được ấn tượng mạnh cho người xem và các nhà chuyên môn. Khi bước ra khỏi triển lãm, họ thường buông lửng một câu "không có gì mới". Chủ tịch Hội NANT Hà Nội - nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Đình An nói: "Một nhận định có tính bao quát như vậy ít nhiều làm chạnh lòng một số cá nhân có sự đầu tư sáng tạo cũng như lao động nghệ thuật nghiêm túc. Tuy nhiên, một cách thẳng thắn thì không thể phủ nhận hoàn toàn nhận định trên".

Điểm cốt lõi là tư duy nghệ thuật

Ảnh nghệ thuật và nghệ thuật chụp ảnh đều cho ra sản phẩm đẹp, nhưng ảnh nghệ thuật mang đậm yếu tố sáng tạo của người chụp. Họ chủ động lựa chọn đề tài, phương pháp biểu hiện để bảo đảm nội dung. Còn nghệ thuật chụp ảnh là ghi lại thực trạng sự kiện khi nó đang diễn ra. Từ căn cứ này, nghệ sĩ nhiếp ảnh Xuân Liễu, nguyên Chủ tịch Hội NANT Hà Nội khẳng định: Phân biệt được điều đó không chỉ giúp ích cho việc xét thưởng mà còn liên quan cả khâu xuất bản và lưu trữ tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Đình An cho rằng: Thành công của một tác phẩm ảnh phụ thuộc rất nhiều yếu tố, nhưng yếu tố cơ bản là tư duy nghệ thuật và cách tiếp cận cuộc sống. Tư duy nghệ thuật chỉ có được nhờ khả năng đúc kết kiến thức từ cuộc sống và yếu tố thẩm mỹ. Cách tiếp cận cuộc sống cũng muôn hình muôn vẻ như sự phong phú vốn có của nó, đòi hỏi nhà nhiếp ảnh phải có sự nỗ lực khám phá, hòng tìm ra những góc nhìn mới.

Từ kinh nghiệm đúc kết được qua cuộc đời cầm máy của mình, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng chia sẻ: "Mỗi ngày trên đất nước ta, cũng như trên thế giới diễn ra hàng nghìn, hàng vạn hình ảnh, sự kiện cùng những con người xuất chúng... Tư liệu sẵn đấy nhưng đứng trước nó, người nghệ sĩ phải có năng lực quan sát, phân tích, chắt lọc và soi rọi qua tư duy nghệ thuật của mình.

Khoảnh khắc nhiếp ảnh ít được quan tâm ở thời buổi kỹ thuật số. Tuy nhiên, với một tác phẩm nhiếp ảnh có tính nghệ thuật thì ngoài việc kết hợp hài hòa giữa yếu tố hình thức, nội dung, giá trị tư tưởng thẩm mỹ thì khoảnh khắc bấm máy vẫn giữ một vai trò quan trọng. Nó góp phần quyết định sự thành công hay thất bại đối với một tác phẩm. Theo nghệ sĩ Vũ Nhật (Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật - Hội NANT Hà Nội), không phải ai cũng có cơ may bắt được khoảnh khắc nhiếp ảnh. Nhà nhiếp ảnh phải hành động như người thợ săn cần mẫn thì mới có thể "chộp" được khoảnh khắc độc đáo, những điều không lặp lại. Nhiều nhiếp ảnh gia Việt Nam ghi dấu ấn trong đời sống nhiếp ảnh trong nước và quốc tế là nhờ tư duy nghệ thuật riêng có của họ. Tư duy ấy quyết định góc nhìn, cách tiếp cận cuộc sống, cách chọn đối tượng phản ánh và cả năng lực nắm bắt khoảnh khắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năng lực nắm bắt khoảnh khắc - Chưa đủ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.