(HNM) - Theo bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2009 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa công bố, cả hai đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều tụt hạng so với bảng xếp hạng năm 2008 (Hà Nội tụt 2 bậc, xếp thứ 33 (năm 2008: xếp thứ 35); TP Hồ Chí Minh tụt 3 bậc, xếp thứ 16 (năm 2008: xếp thứ 13).
Cải cách hành chính là giải pháp quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng chỉ số PCI của thành phố. Trong ảnh: Làm thủ tục cho DN tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Nội Bài. Ảnh: Linh Tâm |
Nguyên nhân tụt hạng
Theo các chuyên gia, một trong nhiều lý do của sự tụt hạng này là Hà Nội hợp nhất. Từ ngày 1-8-2008, Hà Nội chính thức được mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Việc mở rộng đã tác động ngay đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trên nhiều phương diện: DN phải tìm hiểu địa chỉ mới của các cơ quan nhà nước; phải xây dựng, thiết lập mối quan hệ với đối tác và cơ quan quản lý cần thiết cho hoạt động của mình, trong khi cán bộ, công chức tại các cơ quan này đang trong thời kỳ chuyển tiếp để thích nghi với hoàn cảnh mới. Nhưng mặt khác PCI của TP giảm sút còn do những nguyên nhân chủ quan.
Những khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính còn khá phức tạp, phiền hà... là một trong những rào cản tự thân cho việc cải thiện môi trường đầu tư của TP. Nhìn chung, đánh giá của các DN dân doanh về sự cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của TP chưa tốt. Trong đó, khoảng 65% số DN được hỏi cho rằng, việc tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất là một trong những vấn đề nan giải. Mặt bằng sản xuất ở Hà Nội được nhận định là hiếm, thiếu, giá cao và nhiều bất cập trong giải phóng mặt bằng (GPMB)...
Theo chỉ số PCI năm 2009, số tỉnh nằm trong nhóm rất tốt, tốt, khá đều tăng; số tỉnh trong nhóm trung bình giảm mạnh, từ 34 xuống còn 10. Thành phố Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu cả nước trong bảng xếp hạng với 75,96 điểm; tiếp đến là Bình Dương (74,01 điểm), Lào Cai (70,47 điểm), Đồng Tháp (68,54 điểm), Vĩnh Long (67,24 điểm) và Vĩnh Phúc (66,65 điểm) cùng nằm trong nhóm có chất lượng điều hành xuất sắc. Còn Cao Bằng, Đắk Nông và Bắc Kạn nằm cuối bảng xếp hạng. |
Trong khi đó, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp triển khai còn chậm và bất cập, chưa bảo đảm hạ tầng kỹ thuật cho nhiều loại hình dịch vụ. DN còn phải đối mặt với những trở ngại trong việc vay vốn. Nhóm nghiên cứu của VCCI cho biết, hơn 90% DN cho rằng khó vay vốn nếu không có tài sản thế chấp, thủ tục vay vốn phiền hà, tốn kém... Mặt khác, theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, chỉ số PCI là thước đo cảm nhận của DN đối với từng cán bộ làm việc tại cơ quan chức năng, nên thái độ của mỗi cán bộ trực tiếp tiếp xúc với đại diện DN rất quan trọng. Nhiều ý kiến cho rằng, còn không ít chuyên viên ở nhiều cấp, ngành chưa thật sự mẫn cán.
Nâng hạng PCI bằng những việc làm thiết thực cụ thể
Việc tìm ra những giải pháp thiết thực, khả thi góp phần cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Hà Nội là vấn đề cấp thiết. Tính cấp thiết càng nóng khi đây là năm thứ hai liên tiếp, chỉ số PCI của Hà Nội sụt giảm. Trao đổi với PV về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng nhấn mạnh, việc ban hành Đề án Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội giai đoạn 2009-2010 là minh chứng cho quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của TP.
Hoàn thiện hệ thống quy hoạch, giải quyết mặt bằng sản xuất là yếu tố góp phần cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh cho các doanh nghiệp. Ảnh: Bảo Lâm |
Đề án đặt mục tiêu tăng chỉ số PCI của Hà Nội năm 2009-2010 lên 10 bậc. Để đạt được mục tiêu đó, cần rà soát mọi thủ tục, quy định, khắc phục những biểu hiện trì trệ, quan liêu, tiêu cực. Xác định việc cải cách các thủ tục hành chính là khâu đột phá, năm 2010, TP chủ trương nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ công chức trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch hóa thông tin trong việc tiếp cận đất đai... TP cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung rà soát, đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy hoạch để mở đường cho việc giải quyết mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho DN.
Ngày 13-1-2010 UBND TP đã ban hành Văn bản 253/UBND-KH&ĐT, yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc những nhiệm vụ được phân công trong Đề án. Theo đó, Cục Thuế TP tăng cường hướng dẫn, giải đáp chính sách thuế, thủ tục nộp thuế, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho DN; rà soát, xóa bỏ các thủ tục, hồ sơ gây khó khăn, phiền hà... Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cục Thuế Hà Nội, Công an TP cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian đăng ký thành lập mới và đăng ký bổ sung của DN; triển khai chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho DN vừa và nhỏ. Sở Tài chính rà soát, điều chỉnh cơ chế đền bù GPMB, kiến nghị TƯ cho phép điều chỉnh những quy định không phù hợp với thực tế của TP, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện GPMB theo quy hoạch.
Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại quỹ đất, hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết đến cấp xã; công khai các quy hoạch, quỹ đất còn chưa sử dụng; giải quyết kịp thời các vướng mắc của DN liên quan đến đất đai. Sở Quy hoạch - Kiến trúc kịp thời cung cấp thông tin, giải quyết các thủ tục hành chính trong quy hoạch xây dựng liên quan đến các dự án đầu tư cho DN. Sở Công thương tạo điều kiện phát triển thị trường dịch vụ hỗ trợ kinh doanh trên địa bàn; cung cấp thông tin về tình hình cung cầu, giá cả thị trường... giúp DN chủ động việc tổ chức sản xuất, kinh doanh; bổ sung các quy hoạch phát triển của Thủ đô mở rộng; quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030; quy hoạch tổng thể phát triển các khu, cụm công nghiệp, điểm công nghiệp làng nghề đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Ngân hàng Nhà nước (Chi nhánh TP) thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội...
Xét về tổng thể, mục tiêu nâng cao thứ hạng trong bảng xếp hạng PCI vẫn dựa trên cơ chế, điều hành và nhất là sự đồng thuận, nhìn về một hướng của bộ máy công quyền trên tinh thần cầu thị, đổi mới. Hy vọng, với sự chỉ đạo quyết liệt, cụ thể của TP, năm 2010 này chỉ số PCI sẽ được cải thiện rõ nét, hoàn thành mục tiêu của Đề án...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.