Tham gia hoạt động cách mạng từ trước năm 1945, Giáo sư (GS) Vũ Khiêu đã kinh qua nhiều công việc ở các cơ quan Đảng, tuyên huấn, văn hóa, nghiên cứu khoa học xã hội. Với tinh thần lao động không mệt mỏi, niềm say mê nghiên cứu khoa học vô hạn, GS Vũ Khiêu là một học giả uyên bác, nhà văn hóa nổi tiếng, nhà khoa học đi đầu trong nhiều lĩnh vực.
Giờ đây, đã ở tuổi đại thọ 94 (ông sinh ngày 19-9-1916), GS Vũ Khiêu vẫn dẻo dai, minh mẫn, làm việc với cường độ cao, hoàn thành nhiều công trình đồ sộ, trong đó có các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hiến Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi.
GS Vũ Khiêu tâm sự: “Làm bất cứ việc gì, dù là giảng dạy, nghiên cứu khoa học, biên soạn, viết sách… tôi cũng đều tâm huyết”. Trước năm 2000, ông đã có hơn 150 công trình nghiên cứu khoa học. Ông là người có công đầu trong xây dựng ngành Đạo đức học và Mỹ học ở Việt Nam. Ông đã góp phần xây dựng quan hệ đạo đức lành mạnh, phẩm chất đạo đức tốt đẹp, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hướng văn học - nghệ thuật tới cái đẹp, cái cao cả, phê phán và loại bỏ cái xấu… Nhiều tác phẩm của GS như: “Mác - Ăng-ghen - Lênin bàn về đạo đức”, “Đảng ta bàn về đạo đức”, “Đạo đức mới”, “Đẹp”, “Anh hùng và nghệ sĩ”, “Cách mạng và nghệ thuật”, “Con người mới Việt Nam và sứ mệnh quang vinh của văn nghệ”… đã chứng tỏ sức sống lâu dài, ảnh hưởng mạnh mẽ trong đời sống đạo đức và văn học nghệ thuật ở nước ta.
GS Vũ Khiêu là nhà khoa học hàng đầu, uyên thâm cả về văn hóa phương Đông và phương Tây, có những đóng góp to lớn trong nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam. Hàng loạt công trình của ông nghiên cứu về các nhà tư tưởng lớn trong lịch sử như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Chiểu, Đặng Huy Trứ… là những cống hiến rất quan trọng, khái quát về lịch sử tư tưởng Việt Nam từ tầm cao cũng như chiều sâu lịch sử; góp phần đào tạo đội ngũ nghiên cứu khoa học ngày càng đông đảo và mạnh mẽ trong các lĩnh vực về đạo đức học, mỹ học, lịch sử tư tưởng, tư tưởng Hồ Chí Minh…
Ông đã được tặng thưởng nhiều phần thuởng cao quý, nổi bật là Giải thưởng Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lao động thời đổi mới. Vinh dự và trách nhiệm với đất nước, với Thủ đô đã thúc đẩy ông làm việc không ngừng nghỉ. Từ đó tới nay, ông đã hoàn thành nhiều công trình đồ sộ trong các lĩnh vực khoa học, nghiên cứu, biên soạn về Thủ đô Hà Nội. Ông đã chủ trì Hội đồng biên soạn bộ sách 4 tập, nặng 27kg Tổng tập 1000 năm văn hiến Thăng Long, bộ 18 tập Bách khoa thư Hà Nội. Trong đó, Tổng tập 1000 năm văn hiến Thăng Long được đánh giá là công trình văn hóa quý giá, đồ sộ, có tính hệ thống nhất tập hợp các bài viết về Thăng Long - Hà Nội trong 1000 năm qua. Bộ sách là kết quả của 7 năm lao động miệt mài (2002-2009) và 5 năm soạn thảo nguồn tư liệu, dày 12.000 trang, có hơn 5.000 tranh, ảnh. Bộ sách được chia thành 28 phần, phản ánh về Thăng Long - Hà Nội trên nhiều bình diện: địa lý, lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học kỹ thuật, danh nhân, danh lam, công nghệ. Ông còn là Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học cho Nhà xuất bản Hà Nội, chỉ đạo thực hiện kế hoạch xây dựng Tủ sách 1000 năm Thăng Long với 100 bộ sách, mỗi bộ khoảng 1.000 trang. Bên cạnh đó, ông nghiên cứu, biên soạn nhiều tác phẩm như Danh nhân Hà Nội, Tuyển tập Cao Bá Quát. Hiện ông đang làm việc cả ngày lẫn đêm, khẩn trương hoàn thành bộ 3 tập Văn hiến Thăng Long với hơn 2.400 trang sách, chào mừng Đại lễ của Thủ đô. Mỗi đêm chỉ cho phép mình ngủ chừng 3 tiếng, ông đang dành toàn bộ tâm huyết, sức lực để bản Anh hùng ca Thăng Long và nhiều công trình, tài liệu kịp ra mắt vào dịp Đại lễ chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Tuổi càng cao, sức làm việc càng mạnh mẽ, GS Vũ Khiêu rất xứng đáng với những danh hiệu và giải thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước đã phong tặng. Với lòng say mê, không ngừng cống hiến cho văn hóa Thủ đô, ông cũng là người được ghi danh đầu tiên trong 10 công dân ưu tú của Thủ đô Hà Nội năm 2010.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.