Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nặng lòng với trẻ khuyết tật

Nguyễn Linh| 25/04/2013 06:17

(HNM) - Gần 3 năm nay, ông Đặng Hữu Tiến sinh năm 1957, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ trẻ em thiệt thòi sản xuất thủ công mỹ nghệ - hàng lưu niệm Việt Tâm (ở thôn Khúc Thủy, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) bận rộn hơn với việc dạy nghề, tạo việc làm miễn phí cho thanh, thiếu niên khuyết tật. Dù có thu nhập chưa ổn định, trung tâm của ông thường xuyên tạo việc làm cho 40 người khuyết tật trên địa bàn huyện.

Theo nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ hơn 20 năm trước, ông Tiến thấy nghề này phù hợp với sức khỏe người khuyết tật. Trong khi đó, trên địa bàn huyện Thanh Oai cũng đã có tới hàng nghìn thanh, thiếu niên khuyết tật độ tuổi 14-25, là con em các gia đình nghèo, thương bệnh binh. Vì trình độ học vấn thấp, không được đào tạo, không có việc làm, cuộc sống của nhiều em rất khó khăn, không có tương lai. Suy nghĩ một thời gian, lại được sự ủng hộ của vợ con và cộng sự, sau khi đã chuẩn bị đủ về nhân sự, trang thiết bị, nhà xưởng, ông quyết định thành lập trung tâm dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Từ cơ sở này, ông đã giúp cho hàng trăm người khuyết tật học nghề làm tranh, bưu thiếp, con giống bằng giấy cuộn. Hằng ngày, trung tâm của ông tấp nập thanh, thiếu niên khuyết tật tới học nghề, tìm hiểu mặt hàng mới, giao nhận nguyên liệu và sản phẩm. Đối với người khuyết tật đến học nghề, ông kiên trì, nhẫn nại, nhẹ nhàng làm mẫu, uốn nắn từ thế tay, dáng ngồi; phân tích tỉ mỉ yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật của sản phẩm. Ai chưa làm được thì ông cầm tay chỉ việc, động viên cho người lao động cố gắng vượt lên khó khăn. Coi thanh, thiếu niên thiệt thòi như những đứa con của mình, ông truyền đạt hết kinh nghiệm, bí quyết. Tùy năng lực từng người, ông giúp họ phát triển theo hướng tiếp thị sản phẩm hoặc làm mới, cải tiến mẫu mã, tổ chức sản xuất... Dần dần, ông Tiến đã truyền cho họ niềm tin vào khả năng tự lập, tình yêu công việc để nỗ lực học tập, vượt khó, hoàn thành sản phẩm theo đúng yêu cầu. "Tiếng lành đồn xa", nhiều bậc cha mẹ có con khuyết tật ở tận Thái Nguyên, Bắc Ninh cũng tới nhờ ông dạy nghề. Bên cạnh việc hỗ trợ tiền ăn, ở trong quá trình học tập tại trung tâm, ông và vợ còn uốn nắn, nâng cao nhận thức cho các em về cách ứng xử, tình cảm, lối sống. Nhờ vậy, trung tâm của ông đã trở thành ngôi nhà thứ hai, nơi nâng đỡ cho nhiều thanh, thiếu niên khuyết tật vững tin bước vào đời.

Bằng tình thương với người khuyết tật và trách nhiệm với cộng đồng, ông Đặng Hữu Tiến đã nỗ lực giúp đỡ thanh, thiếu niên thiệt thòi có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống, xứng đáng là người tốt, việc tốt của thành phố Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nặng lòng với trẻ khuyết tật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.