(HNM) - Từ ngày 15-12-2011, Nghị định 96/2011/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh chính thức có hiệu lực với mức xử phạt được nâng cao hơn so với quy định hiện hành.
Ông Trần Lộc (nguyên cán bộ Bộ Y tế, phường Kim Mã, Ba Đình): Vẫn còn hiện tượng lạm dụng xét nghiệm
Theo báo cáo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), năm 2010, hầu hết các bệnh viện đều gia tăng tỷ lệ: xét nghiệm nội soi (tăng 24%), sinh hóa (tăng 12%). Còn qua kiểm tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, có hiện tượng lạm dụng các xét nghiệm, nhiều trường hợp xét nghiệm, chụp CT scan mà không căn cứ vào dấu hiệu lâm sàng... Nghị định 96/2011/NĐ-CP quy định rõ là phạt nặng (cao nhất lên đến 40 triệu đồng) đối với các hành vi lạm dụng dịch vụ y tế, kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, dịch vụ kỹ thuật… mà thực tế người bệnh không sử dụng. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa đưa ra được một quy chuẩn về xét nghiệm, chiếu chụp, nên việc phân định giữa lạm dụng và không lạm dụng xét nghiệm chưa thể rạch ròi.
Bà Nguyễn Thanh Hải (Viện Khoa học xã hội Việt Nam): Cần truy cứu trách nhiệm hình sự những hành vi tắc trách
Các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong khám, chữa bệnh tại Nghị định 96/2011/NĐ-CP đã được điều chỉnh theo hướng tăng cao hơn so với quy định hiện hành. Đáng chú ý là các hành vi cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề; hành nghề không có chứng chỉ; không khẩn trương sơ cứu, cấp cứu người bệnh... bị áp dụng mức phạt 10-15 triệu đồng. Hành vi kê đơn thuốc biệt dược, đắt tiền nhằm thu hoa hồng bị phạt đến 20 triệu đồng; lạm dụng nghề nghiệp để có hành vi quấy rối tình dục người bệnh; tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám bệnh, chữa bệnh bị phạt từ 2-5 triệu đồng… Mức xử phạt tăng cao như thế nhưng có làm tăng được trách nhiệm của các y, bác sĩ hay không là điều người bệnh và người nhà bệnh nhân mong mỏi, bởi vì thời gian qua, có quá nhiều vụ việc các bác sĩ cẩu thả, thiếu trách nhiệm, xem thường tính mạng người bệnh. Điển hình là trường hợp bệnh nhân Dương Thị Thu Hiền (17 tuổi) ở tỉnh Cà Mau bị chấn thương sọ não, nhưng bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Năm Căn lại cho rằng bệnh nhân giả vờ, để rồi cháu bị chết một cách oan uổng. Hay mới đây nhất là vụ "cha suýt chết, con hộc máu mồm" vì bác sĩ… mải nhậu tại Bệnh viện tư nhân Đa khoa Thánh Tâm (xã Tiên Hưng, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước)... Dù với bất cứ bệnh nhân nào, nông dân hay cán bộ, người nghèo hay giàu, bác sĩ luôn phải tận tụy, chu đáo và cẩn thận trong công việc của mình. Theo tôi, cần phải có chế tài mạnh hơn đối với những bác sĩ thiếu trách nhiệm, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh. Bác sĩ vô trách nhiệm cũng phải bị đưa ra truy cứu trách nhiệm hình sự.
minhchi2211@yahoo.com.vn: Vấn đề là ý thức của con người
Thời gian qua, ngành y tế luôn cố gắng tiếp thu các kỹ thuật tiên tiến để áp dụng vào công tác khám, chữa bệnh. Thế nhưng, bên cạnh những bác sĩ có chuyên môn cao, tận tâm với người bệnh, cũng có không ít những người khoác áo blu trắng thiếu trách nhiệm, thiếu chuyên môn, kiếm lợi trên nỗi đau của người bệnh. Điển hình là trường hợp của gia đình tôi. Gần đây, con tôi 10 tuổi bị đau bụng, buồn nôn, gia đình đã đưa vào bệnh viện tuyến huyện, bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm họng và đau bụng giun. Tôi không tin và chuyển cháu lên bệnh viện tuyến trên. Sau khi các bác sĩ làm các xét nghiệm, chẩn đoán cháu bị đau ruột thừa phải mổ gấp, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng... Theo tôi, ngành y tế cần phải bố trí, sắp xếp con người sao cho hợp lý, không thể để tồn tại những y, bác sĩ vừa thiếu tinh thần trách nhiệm, vừa không bảo đảm trình độ chuyên môn trong các bệnh viện, rất nguy hiểm đến tính mạng người bệnh...
Bà Vũ Phương Thảo (Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai): Y đức của người làm nghề phải được chú trọng
Mới đây, 5 bệnh viện (Việt - Đức, Phụ sản TƯ, K, Bạch Mai và E) bắt đầu thực hiện quy tắc ứng xử nhằm nâng cao y đức của nhân viên y tế. Cụ thể, có 5 tiêu chí đối với cán bộ, nhân viên y tế là: phải có lời chào thân thiện khi tiếp xúc với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; chỉ dẫn tận tình, cụ thể; thăm khám, tư vấn chu đáo cho bệnh nhân; nói không với phong bì; tuyệt đối không trục lợi từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Thế nhưng, trên thực tế, vấn đề phong bì trong các bệnh viện vẫn khá nhức nhối và đã có sự biến tướng: phong bì hối lộ thì không, cám ơn thì được. Vẫn biết rằng, nói "không" với phong bì trong các bệnh viện chưa thể dẹp được trong ngày một ngày hai, song nếu chúng ta quyết tâm, bệnh viện xử lý mạnh tay thì khó có chuyện nhân viên y tế dám vòi vĩnh người bệnh. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần bảo đảm được đời sống cho nhân viên y tế, để việc nhận phong bì hay không nhận không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.