(HNM) - Thức ăn đường phố với những suất ăn nhanh, gọn, rẻ chính là lựa chọn của nhiều người lao động, sinh viên hoặc những người có thu nhập thấp, trung bình... Thế nhưng, đằng sau dịch vụ ăn uống này lại tồn tại nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Khó xử phạt cơ sở vi phạm...
Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, thức ăn đường phố ngày càng nở rộ, tập trung nhiều ở các điểm có đông người như nhà máy, trường học, chợ, bệnh viện... Ngay trước cổng Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức và Bệnh viện Phụ sản trung ương trên đường Triệu Quốc Đạt vào giờ trưa, các gánh hàng ăn rong đủ loại cơm, bún, phở... bày bán ngay trên nền đất ở vỉa hè, mặc cho người xe qua lại tấp nập. Dễ nhận thấy, những gánh hàng này không đủ nước để rửa bát đũa, khách hàng ngồi ngay đường đi, vỉa hè, bụi bẩn, gần cống thoát nước để ăn...
Nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố chưa bảo đảm vệ sinh dụng cụ cho thực khách. Ảnh: Anh Tuấn |
Tương tự, tại tuyến phố Núi Trúc (quận Ba Đình) và phường Trung Liệt (quận Đống Đa) - là nơi triển khai mô hình điểm kiểm soát an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố - theo ghi nhận của phóng viên, dù ý thức người kinh doanh đã được nâng cao, nhưng một số cửa hàng vẫn chưa tuân thủ đầy đủ 10 tiêu chí bảo đảm an toàn đối với thức ăn đường phố. Việc người bán hàng không dùng găng tay khi lấy thức ăn vẫn còn khá phổ biến...
Tiến sĩ Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội thừa nhận, ở nhiều nơi, việc tuân thủ các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và ý thức trách nhiệm của chủ cơ sở chưa cao. Hiện còn khoảng hơn 20% cơ sở dịch vụ ăn uống sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc. Với thức ăn đường phố còn 17% cơ sở có nơi kinh doanh chưa cách biệt được nguồn ô nhiễm, chưa bày thức ăn trên giá cách mặt đất ít nhất 60cm theo quy định; 13% cơ sở chưa thực hiện che đậy thức ăn để chống bụi bẩn và côn trùng; 16% cơ sở chưa có dụng cụ xúc, gắp thực phẩm hoặc găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc với thức ăn; 11% cơ sở chưa sử dụng nước sạch trong chế biến và vệ sinh dụng cụ... Ngoài ra, một số tiêu chí mà các cơ sở thức ăn đường phố khó duy trì như: Địa điểm kinh doanh phải được cung cấp đầy đủ nước sạch, không có rác thải ở mặt nền, không được gần khu vực cống nước thải…
Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Tụ, các cơ sở ăn uống, thức ăn đường phố không có địa điểm kinh doanh cố định nên khó kiểm soát. Thêm vào đó, chính quyền một số nơi chưa quan tâm đến công tác thanh, kiểm tra, chưa kiên quyết xử lý vi phạm. Theo phân cấp, việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố do xã, phường, thị trấn tiến hành là chủ yếu. Song, quá trình kiểm tra cũng chỉ thiên về nhắc nhở, xử phạt ít và số tiền xử phạt cũng không cao.
Trong năm 2016, các xã, phường, thị trấn thành lập 614 đoàn kiểm tra liên ngành đã thực hiện kiểm tra, giám sát tại 17.292/17.314 cơ sở (chiếm tỷ lệ 99,9%), trong đó có 12.166 cơ sở dịch vụ ăn uống và 5.148 cơ sở thức ăn đường phố. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra chỉ xử phạt 16 cơ sở thức ăn đường phố với số tiền hơn 9,3 triệu đồng. "Không chỉ xử phạt ít mà việc công khai các cơ sở vi phạm trên loa truyền thanh cũng hạn chế do còn nể nang và tâm lý “làng xóm” nên chưa đủ sức răn đe" - Tiến sĩ Trần Ngọc Tụ cho biết thêm.
Phải kiểm tra mỗi cơ sở 4 lần/năm
Từ những bất cập trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm thành phố yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, Phòng y tế, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 14-4-2016 của UBND thành phố về triển khai tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Mặt khác, tăng cường thông tin, tuyên truyền và giáo dục công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nhà sản xuất, người tiêu dùng. Bồi dưỡng chuyên môn về an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý và cho người kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tổ chức khám sức khỏe thường xuyên đối với người kinh doanh, sản xuất, chế biến dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Cùng với biện pháp tuyên truyền, ông Trần Văn Chung cũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đặc biệt với cấp xã, phường, thị trấn phải bảo đảm mỗi cơ sở kinh doanh được kiểm tra 4 lần/năm. Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn tham gia đoàn kiểm tra 1 lần/tuần và 2 lần/tuần với Phó Chủ tịch UBND cấp xã.
Bên cạnh đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phải tích cực kiểm tra, giám sát đột xuất cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố do cấp xã, phường, thị trấn quản lý. Trong quá trình thanh, kiểm tra kiên quyết xử lý vi phạm và phải xử phạt ở mức cao nhất, sau đó công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.