Chính trị

Nâng hiệu quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri

Việt Tuấn 12/08/2023 - 06:40

Thực hiện Đề án số 15-ĐA/TU (ngày 12-5-2022) của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội và các quận, huyện, thị xã luôn chú trọng hoạt động tiếp xúc cử tri, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị gửi cơ quan có thẩm quyền và giám sát việc giải quyết theo đúng quy định...

at-7.jpg
Quang cảnh Hội nghị giao ban về công tác tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát giải quyết kiến nghị cử tri của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội với Thường trực HĐND quận, huyện, thị xã quý II-2023.

Đúng quy định và đạt chất lượng

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Thường trực HĐND thành phố tổng hợp 1.801 ý kiến, kiến nghị của cử tri, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực quản lý nhà nước. Sau khi nhận được kiến nghị của cử tri, UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cho các ngành, các cấp kiểm tra, rà soát việc giải quyết, trả lời cử tri; tổng hợp và báo cáo HĐND thành phố kết quả thực hiện, bảo đảm đúng thời hạn yêu cầu.

Từ thực tiễn tại địa phương, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Cầu Giấy Nguyễn Văn Chiến cho biết, công tác tiếp nhận, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của cử tri được Thường trực HĐND quận chỉ đạo sát sao. Nhờ đó, 82% kiến nghị của cử tri được giải quyết, góp phần ổn định tình hình ở cơ sở. Còn Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng thông tin, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, toàn quận ghi nhận 220 ý kiến của cử tri, trong đó 182 ý kiến đã giải quyết xong (đạt 82,7%), đang giải quyết 38 ý kiến (chiếm 17,3%).

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, việc tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri được Thường trực HĐND các cấp thực hiện đúng quy định và đạt chất lượng, hiệu quả thiết thực. Trong đó, HĐND thành phố và một số đơn vị đã ban hành các nghị quyết về giải quyết kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp thường lệ là bước tiến quan trọng nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị, thể hiện đúng tinh thần trách nhiệm của cơ quan dân cử, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri.

Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng

Dù có nhiều cố gắng, song tại hội nghị giao ban về công tác tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát giải quyết kiến nghị cử tri của Thường trực HĐND các cấp thành phố Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, việc tổng hợp, thông tin kết quả giải quyết, trả lời của các cơ quan có thẩm quyền đến cử tri còn chưa rộng khắp.

Đại biểu HĐND các quận, huyện: Hà Đông, Đống Đa, Mê Linh, Thanh Trì, Phú Xuyên, Ba Vì cho rằng, công tác theo dõi, giám sát việc giải quyết của các ban HĐND đối với lĩnh vực phụ trách và của tổ đại biểu đối với các kiến nghị cử tri còn chưa chặt chẽ. Việc giám sát kết quả trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri đã từng bước được đổi mới, nhưng chưa đi vào cụ thể trong việc giải quyết, tiến độ thực hiện các cam kết trước đó.

Đáng lưu ý, công tác quản lý nhà nước tại một số địa phương, trên một số lĩnh vực còn hạn chế, thiếu sót, nhất là công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng và quản lý đô thị, quản lý nhà chung cư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác nhận nguồn gốc đất và việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để thực hiện các dự án. Bộ máy giúp việc của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử về công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư, theo dõi, giám sát việc giải quyết, trả lời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh còn thiếu về số lượng, chậm được bổ sung, có nơi yếu về chất lượng.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên cho rằng, Thường trực HĐND các cấp cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đại biểu HĐND và công chức tham mưu, giúp việc về công tác tiếp xúc cử tri, kỹ năng tiếp công dân, giám sát giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu, mục tiêu đã đề ra.

Còn theo Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt, HĐND các cấp nên có quy trình tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc, giám sát giải quyết đơn, thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân một cách chi tiết, khoa học, hiệu quả; đồng thời, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm chuyên biệt...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng hiệu quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.