(HNM) - Một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 thu hút nhiều sự quan tâm của người dân là việc nên hay không nên nâng độ tuổi trẻ em Việt Nam lên 18 tuổi thay vì 16 tuổi như hiện nay.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và một số cơ quan, tổ chức, mặc dù là quốc gia đầu tiên của Châu Á và thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền trẻ em nhưng đến nay, Việt Nam lại là nước còn lại duy nhất trong khối ASEAN; thứ 4 ở Châu Á và thứ 11 trên thế giới chưa nâng độ tuổi trẻ em lên 18. Do đó, cần coi đây là việc làm cấp bách, góp phần tạo điều kiện để trẻ được phát triển tốt nhất về cả thể chất lẫn tinh thần, cũng như sự chín chắn về tri thức và nhân cách của trẻ.
Thế nhưng, một số chuyên gia pháp luật lại có quan điểm ngược lại. Lý do được đưa ra là, nếu chủ trương này được triển khai cũng đồng nghĩa với việc giảm hình phạt đối với những hành vi vi phạm pháp luật của trẻ em từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (tuổi vị thành niên) và sẽ không đủ sức răn đe. Theo thống kê, số vụ do tội phạm từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 60% các vụ phạm tội do người chưa thành niên và trẻ em thực hiện. Từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm khoảng 32% và dưới 14 tuổi chiếm khoảng 8%. Chưa kể, việc điều chỉnh còn có thể kéo theo hàng loạt luật khác liên quan cũng phải sửa đổi như Luật Thanh niên, Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự…
Theo Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 20-11-1989 và Việt Nam đã phê chuẩn năm 1990, trẻ em có nghĩa là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có thể được áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn. Quy định "mở" này tạo điều kiện cho mỗi quốc gia có điều kiện cân nhắc kỹ lưỡng, điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm của dân tộc mình. Hiện nay, chúng ta đang sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đây là đạo luật gốc quy định chế độ chính trị, quốc phòng, an ninh, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, vấn đề nâng tuổi trẻ em cần được cân nhắc kỹ, tránh phải sửa nhiều lần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.