Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng chất lượng toàn diện các tiêu chí

Nguyễn Mai| 02/02/2018 07:43

(HNM) - Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội đã có những chuyển biến mạnh mẽ, kết quả vượt chỉ tiêu đề ra. Năm 2018, thành phố xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm nhưng không chạy theo số lượng mà sẽ tập trung nâng chất lượng toàn diện các tiêu chí, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu bền vững hơn.


Chất lượng xã đạt chuẩn ngày càng cao

TP Hà Nội đã có 4 huyện và 255 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định địa phương đạt chuẩn nông thôn mới thành phố đã đánh giá, chấm điểm thêm 39 xã đủ điều kiện,trình UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới để đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 294, vượt chỉ tiêu kế hoạch cho năm 2017.

Mô hình nông thôn mới kiểu mẫu đang hình thành tại huyện Đan Phượng. Ảnh: Bá Hoạt



Ông Lê Thiết Cương, Phó Chánh văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội nhận xét: Các xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 chất lượng cao hơn hẳn so với các năm trước. Tuy việc chấm điểm vẫn căn cứ theo 5 nhóm, 19 tiêu chí nhưng các chỉ tiêu “cho điểm” chia nhỏ hơn, từ 39 lên 49 chỉ tiêu so với trước. Ví dụ, tiêu chí thủy lợi, hệ thống thủy lợi nội đồng ngoài đáp ứng yêu cầu tưới tiêu tự động còn phải gắn với biến đổi khí hậu và tính đến các phương án phòng chống lũ lụt, khô hạn. Tương tự, tiêu chí tổ chức sản xuất, không dừng lại ở yêu cầu hợp tác xã phải chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã, hoạt động hiệu quả mà còn phải có liên kết sản xuất, tổ chức sản xuất cho người dân để nâng cao giá trị. Còn tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, yêu cầu các hộ sản xuất phải cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu sản xuất đến chế biến…

Tại các xã đã được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn cũng đều có kế hoạch nâng cao chất lượng tiêu chí. Điển hình như huyện Đan Phượng, hiện đã triển khai xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu tại các xã.

Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" cũng chỉ đạo xây dựng đề án triển khai xây dựng mô hình thí điểm nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị tại xã Đông Hội (huyện Đông Anh) và nông thôn mới kiểu mẫu đặc thù nông thôn tại xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ).

Xác định nâng cao thu nhập cho nông dân là mục tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã chỉ đạo đẩy mạnh việc đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Tính đến hết năm 2017, thành phố đã có 105 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và 71 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, Hà Nội đã có những cánh đồng chuyên canh lúa chất lượng cao rộng hàng trăm héc ta; vùng trồng cây ăn quả cam Canh, bưởi Diễn, nhãn, ổi, táo… Nhiều vùng sản xuất đã xây dựng được thương hiệu như bưởi tôm vàng Đan Phượng, bưởi Phúc Thọ, chè, sữa, gà đồi Ba Vì…

Không chạy theo số lượng

Thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, mặc dù nhiều địa phương đã đạt được kết quả cao nhưng vẫn còn những hạn chế. Theo ông Lê Thiết Cương, một số địa phương vẫn chưa bám sát nội dung xây dựng nông thôn mới của trung ương và thành phố. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới chưa sát thực tế. Khi làm thủ tục đầu tư các dự án nông thôn mới còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ công nhận xã đạt chuẩn...

Trong sản xuất nông nghiệp, chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao dù đã đạt được kết quả bước đầu, nhưng so với nhiều tỉnh, thành phố khác, Hà Nội vẫn còn hạn chế, yếu kém. Nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề. Đến nay, chưa địa phương nào đạt điểm tối đa về tiêu chí môi trường. Công tác xã hội hóa xây dựng nông thôn mới, tuy có bước chuyển nhất định, nhưng so với giai đoạn 2011-2015, 2 năm qua (2016-2017) lại có phần chững lại…

Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy xác định: Năm 2018, Hà Nội tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí, đầu tư để hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông thôn. Quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy những nét đẹp trong văn hóa truyền thống, sự đùm bọc, tình làng nghĩa xóm... Nông dân tiếp thu nhanh thành tựu khoa học kỹ thuật để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại vừa làm chủ ruộng đồng, làm chủ nông thôn. Ông Lê Thiết Cương cho biết thêm, năm 2018, Hà Nội sẽ phấn đấu có thêm ít nhất là 26 xã đạt chuẩn và tập trung chỉ đạo 4 huyện Gia Lâm, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất thực hiện các tiêu chí để đạt huyện nông thôn mới.

Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy cũng sẽ tập trung cho phát triển sản xuất. Thực hiện khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp như sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Cùng với đó, phát triển và mở rộng vùng, khu, trang trại chuyên canh tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản nông sản theo chuỗi. Tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất ngoài đồng ruộng, hỗ trợ để người dân đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Thành phố sẽ tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, bởi đây là hướng phát triển nông nghiệp tất yếu của Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng chất lượng toàn diện các tiêu chí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.