Sáng 23-8, tại phiên trọng thể Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029, tham luận của các đại biểu đã làm rõ thêm kết quả hoạt động trong nhiệm kỳ qua và đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong nhiệm kỳ mới.
Thiếu tướng Lê Như Đức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội:
Đẩy mạnh giáo dục thế hệ trẻ trách nhiệm xây dựng, bảo vệ Tổ quốc
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm rất quan trọng và cần thiết”, Hội Cựu chiến binh thành phố đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và hướng dẫn Hội Cựu chiến binh cơ sở chủ động phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, ngành Giáo dục và Đào tạo, các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh, sinh viên các trường đại học.
Từ năm 2019 đến nay, Hội Cựu chiến binh các cấp trên địa bàn thành phố đã phối hợp tổ chức hơn 300 buổi nói chuyện truyền thống về lịch sử, cách mạng, quân đội, gặp mặt các nhân chứng lịch sử… cho 25.000 thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Bằng kiến thức, kinh nghiệm và những trải nghiệm thực tế, các cựu chiến binh đã chia sẻ, trò chuyện giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử đấu tranh, truyền thống anh hùng cách mạng của các thế hệ người dân Việt Nam trong xây dựng, bảo vệ đất nước.
Hiện nay, một bộ phận giới trẻ có biểu hiện sống thiếu lý tưởng, ít quan tâm, trân trọng những giá trị văn hóa, truyền thống cách mạng, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ càng cần được quan tâm. Hội Cựu chiến binh thành phố sẽ tiếp tục đồng hành cùng Đoàn Thanh niên, ngành Giáo dục và Đào tạo đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ; nhân rộng các mô hình cựu chiến binh giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; thực hiện tốt các phong trào thi đua, nêu gương và đồng hành cùng thanh niên trong mọi hoạt động, nhất là phong trào thanh niên “lập thân, lập nghiệp”, xung kích xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội:
Tập hợp, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Đồng hành cùng dân tộc đã được Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định và là kim chỉ nam của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Thủ đô đã kế thừa truyền thống hơn hai nghìn năm lịch sử Phật giáo Việt Nam hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc và đã có những đóng góp thiết thực vào đời sống xã hội, đặc biệt là trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.
Với tư cách là thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Giáo hội Phật giáo Thủ đô, tăng, ni, Phật tử luôn gắn bó với chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong mọi hoạt động xã hội, thực hiện tốt phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.
Các ban trị sự quận, huyện, thị xã thường xuyên động viên tăng, ni, Phật tử tại địa phương hoàn thành tốt các phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở khu dân cư, tham gia các đoàn thể, các hoạt động xã hội. Nhiều vị chức sắc, tăng, ni được người dân tin tưởng bầu là đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp để vận động nhân dân, Phật tử xây dựng đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội. Các vị tăng, ni còn tích cực tham gia truyền bá Phật pháp tại vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo để tinh thần Phật giáo tiếp tục được lan tỏa nơi phên dậu của Tổ quốc.
Đại hội đại biểu Phật giáo Thủ đô nhiệm kỳ 2022-2027 đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã đề ra 9 mục tiêu để phát triển và đồng hành cùng dân tộc. Để thực hiện những mục tiêu này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố thực hiện đúng theo tinh thần “Duy tuệ thị nghiệp” và “Phục vụ chúng sinh là cúng dàng chư Phật” mà Đức Phật đã dạy.
Một trong những định hướng thực hiện là: Hoạt động từ thiện phải dựa trên tinh thần tứ vô lượng tâm “từ bi, hỷ xả”… Chú trọng hơn về nội dung của tăng sự, giáo dục, hoằng pháp, văn hóa, truyền thông để Phật giáo đi vào đời sống có chiều sâu hơn, vững bền hơn. Tiếp tục đẩy mạnh những hoạt động làm lợi đạo, ích đời, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để tăng, ni và đồng bào Phật tử ở trong và ngoài nước cùng mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ và thực hiện, gắn bó chặt chẽ giữa đạo với đời, giữa Giáo hội với đất nước.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Long Biên Vũ Thị Thành:
Phát huy vai trò chủ trì xây dựng đô thị văn minh
Với vai trò là cơ quan chủ trì triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại cơ sở, hệ thống MTTQ các cấp quận Long Biên đã đề ra nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phát huy nội lực và tinh thần tự chủ, tính chủ động, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân.
Trong 5 năm qua, quận Long Biên đã tổ chức 951 hội nghị đại biểu nhân dân cấp phường và tổ dân phố với 140.903 đại diện hộ gia đình tham dự và đã có 4.800 ý kiến góp ý, đề xuất các giải pháp xây đời sống văn hóa, văn minh đô thị. Toàn quận đang duy trì 43 mô hình tự quản; tỷ lệ gia đình văn hóa trung bình hằng năm đạt 92,81%, tỷ lệ tổ dân phố văn hóa trung bình đạt trên 88,55%; 8/14 phường đạt chuẩn đô thị văn minh; 103/225 tổ dân phố đạt tiêu chí xanh - sạch - đẹp - văn minh; 78/93 tuyến đường, tuyến phố đạt chuẩn văn minh đô thị.
Trong nhiệm kỳ qua, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp của quận đã vận động đạt trên 16 tỷ đồng và đã trích trên 11,9 tỷ đồng hỗ trợ, tặng quà 1.376 lượt trẻ em; khám, chữa bệnh cho 119 lượt người cao tuổi thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ sinh kế 151 hộ; mua bảo hiểm xã hội tự nguyện cho 584 lượt người; xây dựng mới và sửa nhà đại đoàn kết cho 22 hộ và các hỗ trợ khác…
Tiếp tục xác định việc xây dựng đô thị văn minh là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên, MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể các cấp quận Long Biên sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động, giám sát, phản biện xã hội về lĩnh vực này. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong thực hiện cuộc vận động giữa UBND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên; đồng thời các cấp chính quyền quận cần tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam cùng cấp thực hiện có hiệu quả cuộc vận động.
MTTQ Việt Nam quận sẽ phát huy hơn nữa vai trò của mỗi cán cán bộ làm công tác Mặt trận các cấp quận và lực lượng nòng cốt trong triển khai thực hiện cuộc vận động, cùng với hoạt động Ban Công tác Mặt trận ở tổ dân phố tham gia trực tiếp tổ chức các hoạt động để kết nối nhân dân tham gia thực hiện xây dựng đô thị văn minh…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.