Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng chất lượng giáo dục đại học: Gắn học với hành

Thống Nhất| 10/02/2019 06:53

(HNM) - Chất lượng giáo dục ở bậc đại học những năm gần đây được đánh giá có nhiều chuyển biến, song vẫn còn hạn chế, trong đó rõ nhất là “sản phẩm” đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu.

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tham gia giờ thực hành tại Viện Kỹ thuật hóa học.


Nâng chất lượng “sản phẩm” đào tạo

Quyết định số 69/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025 ban hành ngày 15-1-2019 đã trở thành sự kiện đáng chú ý nhất của lĩnh vực giáo dục ngay trong những ngày đầu năm 2019. Có thể nói, trước đây đã có khá nhiều đề án, kế hoạch… nhằm cải thiện chất lượng giáo dục đại học, song đây là lần đầu tiên, một đề án tổng thể về giáo dục đại học nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất và giải quyết căn cơ những hạn chế ở bậc học này được ban hành với một lộ trình dài.

Quan điểm xuyên suốt được xác định trong đề án là Nhà nước giữ vai trò kiến tạo và hỗ trợ thông qua việc xây dựng chính sách, tạo môi trường thuận lợi để phát triển giáo dục đại học; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử dụng mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Nâng cao chất lượng “sản phẩm” đào tạo, cụ thể là chất lượng sinh viên tốt nghiệp vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp trọng tâm sẽ được tập trung triển khai trong giai đoạn từ nay tới năm 2025. Đến năm 2025, 100% sinh viên tốt nghiệp sẽ phải đạt chuẩn đầu ra về mọi mặt, trong đó có cả trình độ ngoại ngữ, tin học và kỹ năng mềm để sẵn sàng tham gia thị trường lao động.

Nhằm nâng cao chất lượng “sản phẩm” đào tạo, đáp ứng yêu cầu của nơi sử dụng lao động, đề án đề ra 7 giải pháp, như đẩy mạnh tự chủ, đổi mới quản trị giáo dục đại học theo hướng gắn cơ chế quản lý với giám sát; tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, trong đó có việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, ưu tiên đầu tư cho một số trường đại học sư phạm trọng điểm; tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ…

Thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành


Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những năm gần đây, đa phần sinh viên tốt nghiệp đại học đều có kiến thức vững vàng, song kỹ năng thực hành còn hạn chế nên chưa đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động. Bởi vậy, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị được coi là một trong những giải pháp trọng tâm, cũng là nhu cầu cấp thiết của các cơ sở giáo dục đại học.

Trong điều kiện kinh phí còn hạn chế, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng các trung tâm thực hành, thí nghiệm hiện đại dùng chung cho các cơ sở giáo dục đại học; thí điểm xây dựng một số làng đại học quốc tế nhằm thu hút các cơ sở có uy tín của nước ngoài tham gia đào tạo, chia sẻ tài nguyên và hợp tác nghiên cứu khoa học. Việc chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học cho doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội cũng sẽ được quan tâm đẩy mạnh trong giai đoạn này.

Nguyễn Hoàng Nam, sinh viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hào hứng: "Việc được tiếp cận với doanh nghiệp ngay trong thời gian học tập sẽ là cơ hội để chúng em biết mình còn thiếu gì để đáp ứng yêu cầu công việc, từ đó có kế hoạch học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng. Chúng em rất mong được thực tập thường xuyên, thực hành trong quá trình học để trau dồi về chuyên môn và kỹ năng, từ đó tăng khả năng ứng dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống".

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp.


Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, để nâng chất lượng giáo dục đại học, cần có các giải pháp đồng bộ và tổng thể, trong đó đội ngũ giảng viên là yếu tố then chốt. Để gắn học với hành một cách có chất lượng, đội ngũ giảng viên phải luôn năng động, cập nhật kiến thức chuyên môn, khả năng ngoại ngữ và tin học nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong quá trình hội nhập quốc tế, tạo ra những “sản phẩm” có chất lượng, đáp ứng thị trường lao động trong và ngoài nước.

Việc giảm khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành trong quá trình đào tạo, trong đó có việc thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo ngay khi sinh viên còn ngồi trên ghế giảng đường đại học cũng là một giải pháp được kỳ vọng sẽ đem lại những chuyển biến về chất lượng sinh viên tốt nghiệp đại học.

Ông Trần Nam Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tỷ lệ sinh viên khởi nghiệp trong các nhà trường hiện chiếm khoảng 15% và đang có chiều hướng tăng về số lượng, cải thiện về chất lượng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục nghiên cứu để ban hành chính sách hỗ trợ sinh viên đẩy mạnh nghiên cứu khoa học.

Nhằm cụ thể hóa Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức khởi động đề án với những giải pháp, mục tiêu cụ thể cho từng chặng nhằm tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.

Mới đây, ngày hội khởi nghiệp quốc gia dành cho học sinh, sinh viên đã được tổ chức lần đầu tiên, thu hút hàng trăm ý tưởng, dự án mang tiềm năng ứng dụng, đánh dấu bước chuyển mạnh về “chất” trong quá trình đào tạo, tạo nền tảng vững chắc nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn tới.

Một số chỉ tiêu của Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025: 100% số giảng viên đại học có trình độ thạc sĩ hoặc tương đương trở lên, trong đó ít nhất 35% có trình độ tiến sĩ; 100% số cơ sở giáo dục đại học thực hiện kiểm định chất lượng; 35% số chương trình đào tạo được kiểm định trong nước hoặc nước ngoài; 100% chương trình đào tạo giáo viên ở tất cả các trình độ được kiểm định.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng chất lượng giáo dục đại học: Gắn học với hành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.