Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng chất lượng giám sát của cơ quan dân cử

Việt Tuấn| 31/03/2022 06:16

(HNM) - Kế thừa kinh nghiệm của các giai đoạn trước, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và HĐND thành phố tiếp tục đổi mới toàn diện các hoạt động. Trong đó, việc nâng cao chất lượng giám sát của cơ quan dân cử, trọng tâm là ở địa bàn đang thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị sẽ được đẩy mạnh thời gian tới.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và Thường trực HĐND thành phố phối hợp giám sát chuyên đề về công tác quy hoạch.

Chú trọng giám sát chuyên đề

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết, ngoài tham gia giám sát trực tiếp ở các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố còn tổ chức nhiều đợt giám sát, khảo sát chuyên đề, nhằm phục vụ sửa đổi các luật, chính sách vĩ mô quan trọng của đất nước. Nổi bật là việc giám sát về thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021; chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi có Luật Quy hoạch; việc tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn Hà Nội...

“Báo cáo các đợt giám sát đã nêu rõ thực trạng việc tuân thủ pháp luật với từng nội dung giám sát của các cơ quan nhà nước ở địa phương, đồng thời có các kiến nghị, giải pháp cụ thể tới Trung ương, thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan nhằm góp phần khắc phục tồn tại, đồng thời đáp ứng yêu cầu đưa các quy định pháp luật vào cuộc sống”, đồng chí Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh.

Đối với HĐND thành phố Hà Nội, theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, hoạt động giám sát cũng được chú trọng nâng chất lượng. Các phiên chất vấn luôn sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm đối với những vấn đề dân sinh bức xúc hoặc những tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực quản lý nhà nước được đông đảo cử tri quan tâm.

Đặc biệt, bám sát tình hình dịch bệnh, Thường trực HĐND thành phố đã có chỉ đạo điều chỉnh giảm thành phần đoàn giám sát, số lượng giám sát trực tiếp, đồng thời tăng cường giám sát thực địa… Theo đó, HĐND thành phố đã tái giám sát tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai; giám sát việc hỗ trợ các đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; giám sát công tác giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri…

Ông Bùi Công Sáu (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) nhận xét, người dân đánh giá cao đại biểu HĐND thành phố tái giám sát về các dự án chậm triển khai. Bởi hiện còn nhiều dự án chậm tiến độ gây lãng phí tài nguyên, trong khi đó nhiều địa bàn lại thiếu trường, lớp học. Mong rằng, thành phố sớm xử lý những vi phạm, thậm chí thu hồi dự án chậm triển khai để xây dựng thêm trường học.

Kinh nghiệm cần được phát huy

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, trong điều kiện Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, thời gian qua, Thường trực HĐND tiếp tục chỉ đạo thực hiện nhiều đổi mới nhằm nâng cao chất lượng và mở rộng hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử xuống tới cơ sở, nhất là ở các địa bàn không tổ chức HĐND phường. Cụ thể, đẩy mạnh phối hợp hoạt động giám sát giữa Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và Thường trực HĐND thành phố, giữa các ban HĐND, giữa tổ đại biểu và Thường trực HĐND quận, huyện, thị xã đối với các lĩnh vực có cùng đối tượng giám sát; đẩy mạnh việc tổ chức giám sát tới tận thôn, tổ dân phố, trực tiếp tới từng công trình, dự án cụ thể. Từ đó, kết luận của nhiều cuộc giám sát, khảo sát được sử dụng làm căn cứ để Thường trực HĐND tổ chức chất vấn, giải trình, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân...

Theo đại biểu Quốc hội chuyên trách Nguyễn Tuấn Thịnh, hoạt động giám sát được Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố thực hiện theo hướng linh hoạt và đa dạng, phù hợp với tình hình phòng, chống dịch. Cụ thể như tăng cường giám sát chuyên đề, kết hợp giám sát trực tiếp và qua báo cáo, giám sát thường kỳ và đột xuất, tổ chức giám sát theo từng nhóm đối tượng.

Còn Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga chia sẻ, để tăng hiệu quả các cuộc giám sát, thành phần mời dự được HĐND thành phố mở rộng, gồm đại diện cơ quan cấp trên, cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực giám sát.

Với mục tiêu không ngừng đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động, vừa qua, Thường trực HĐND thành phố đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”. Thực hiện đề án, thời gian tới, HĐND thành phố tiếp tục đổi mới phương thức giám sát, trong đó đẩy mạnh phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố trong giám sát chuyên đề tại các quận, thị xã nhằm thực hiện có hiệu quả việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng chất lượng giám sát của cơ quan dân cử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.