(HNM) - Xuất khẩu gạo giảm, cả nước hiện còn 1 triệu tấn gạo tồn kho, trong khi
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Cảng Sài Gòn. |
Giảm do nguyên nhân chủ quan?
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến hết tháng 4, xuất khẩu gạo cả nước giảm 7,7% về khối lượng và 6,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Chủ tịch VFA Huỳnh Thế Năng cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu đã cơ bản thu mua đủ lượng gạo theo hợp đồng đã ký bởi sức mua của các thị trường chính đều giảm. Trong khi đó, lượng gạo tồn kho tại các doanh nghiệp đã vượt 1 triệu tấn, cùng với đó các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vừa bước vào thu hoạch lúa đông xuân sẽ kéo theo lượng gạo trên thị trường tăng cao tạo áp lực lớn với công tác tiêu thụ.
Về thị trường xuất khẩu, gạo Việt Nam vẫn "quanh quẩn" ở các thị trường quen thuộc như: Trung Quốc, Philippines, Indonesia và một số nước Châu Phi; rất khó xâm nhập vào các thị trường lớn do hạn chế về chất lượng và chưa có thương hiệu... Đó là chưa kể, gạo Việt Nam còn phải đối mặt với sự thu hẹp thị trường xuất khẩu.
Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cho biết: Thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam ngày một khó khăn do các thị trường truyền thống như: Philippines, Indonesia… đều giảm lượng nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước. Còn Trung Quốc, vốn là thị trường chính của Việt Nam, được dự báo dễ xảy ra tình trạng "phập phù"... Trong khi đó, Thái Lan là nước xuất khẩu gạo tương đương Việt Nam cũng công bố dự kiến sẽ “xả kho” lượng gạo tồn kho trong thời gian tới.
Hơn nữa, nhiều "bạn hàng" của Việt Nam có xu hướng tự cung, tự cấp lương thực. Đó là chưa kể hiện xuất hiện thêm một số nước xuất khẩu gạo tiềm năng như: Campuchia, Ấn Độ, Myanmar... cũng tạo áp lực cạnh tranh.
Ngoài những khó khăn trên, xuất khẩu gạo còn vướng rào cản chính sách. Cụ thể, Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 4-11-2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo có quy định: Doanh nghiệp xuất khẩu gạo có ít nhất kho chuyên dụng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và phải xuất khẩu gạo trong thời gian 12 tháng liên tiếp mới được cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo. Nghị định còn quy định các doanh nghiệp sau khi ký hợp đồng xuất khẩu phải đăng ký với VFA trong vòng 3 ngày làm việc đầu tiên; phải báo cáo tiến độ thực hiện hợp đồng với VFA... Các quy định này khiến nhiều doanh nghiệp "nản".
Nâng chất lượng, xây dựng tiêu chí chuẩn cho gạo xuất khẩu
Mới đây, Chính phủ Bangladesh đã chính thức ký gia hạn Bản ghi nhớ về thương mại gạo giữa Việt Nam và Bangladesh, có hiệu lực 5 năm kể từ ngày ký (2017 - 2022). Theo nội dung Bản ghi nhớ, mỗi năm, tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh số lượng gạo các loại lên đến 1 triệu tấn; hai bên cũng đã chỉ định các đầu mối của mình để giao dịch, đàm phán, ký kết và thực hiện các hợp đồng.
Đặc biệt, ngay sau khi ký Bản ghi nhớ, phía Bangladesh đã thông báo dự kiến mua ngay của Việt Nam từ 250 nghìn đến 300 nghìn tấn gạo trắng 5%; đồng thời cho biết mong muốn sẽ mua tổng số lượng khoảng 500 nghìn tấn gạo từ nay đến hết năm 2017.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Đây là thông tin đáng mừng cho xuất khẩu gạo Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT vẫn đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các tham tán tại các nước trên thế giới nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu gạo.
Trước mắt, để giải quyết 1 triệu tấn gạo tồn kho và sản lượng thu hoạch vụ đông xuân 2017, ông Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng: Nhà nước nên giúp doanh nghiệp tiếp cận ngay với thị trường Châu Phi vì thị trường này không yêu cầu quá cao về chất lượng thay vì hy vọng tiêu thụ ở thị trường "khó tính". “Đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất, sử dụng giống lúa chất lượng cao, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác để đáp ứng những yêu cầu khắt khe các nước nhập khẩu” - ông Vinh nhấn mạnh.
Cùng với mở rộng thị trường, ngành Lúa gạo cần đổi mới trong sản xuất và từng bước tháo gỡ rào cản cho phù hợp xu thế hội nhập. Tiến sĩ Đào Thế Anh, Viện Cây lương thực - Cây thực phẩm cho rằng: Các bộ, ngành cần sớm ban hành bộ tiêu chí chuẩn cho gạo xuất khẩu và gạo nội địa làm định hướng cho các chủ thể tham gia chuỗi sản xuất. Từ bộ tiêu chí đó, sẽ xác định vùng chuyên canh phù hợp tiêu chuẩn "đầu ra"; đồng thời, sớm xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam để tạo vị thế tương xứng.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia lúa gạo cũng cho rằng: Phải có những quy định cụ thể đối với sản xuất gạo xuất khẩu về: Giống sản xuất, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về bảo quản… Đối với thị trường tiêu thụ trong nước cũng cần những tiêu chí phù hợp nhu cầu tiêu dùng.
Để tháo gỡ những vướng mắc trong Nghị định 109/2010/NĐ-CP, Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo sửa đổi nghị định này theo hướng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo và tiếp tục tranh thủ ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp nhằm đạt hiệu quả tối đa khi áp dụng vào thực tiễn.
Hy vọng với sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương để cùng tháo gỡ khó khăn, gạo Việt Nam sẽ sớm được định vị tại thị trường xuất khẩu, góp phần đưa ngành Nông nghiệp nước ta phát triển ổn định, bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.