(HNM) - Từ ngày 1-7-2011, thực hiện Luật An toàn thực phẩm hàng nhập khẩu có nguồn gốc động vật (các loại thịt, trứng, thủy sản) áp dụng tiêu chuẩn mới, còn với nhóm hàng rau quả, thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 1-9-2011.
Theo đó chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) các loại mặt hàng thịt, trứng, thủy sản, nông sản nhập khẩu cũng như sản xuất nội địa sẽ được kiểm soát nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn tương đương EU và Mỹ. Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực, người tiêu dùng kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản trên thị trường hiện nay.
Siết chặt quản lý chất lượng
Theo Luật An toàn thực phẩm, Bộ NN&PTNT có trách nhiệm quản lý toàn bộ chuỗi từ khâu trồng trọt, thu gom, sơ chế đến đem ra ngoài chợ bán phải bảo đảm quản lý được. Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) được giao quản lý 9 nhóm, ngành hàng, gồm: rau, củ, quả, sữa nguyên liệu, thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, thịt và các sản phẩm từ thịt (bao gồm thịt gia súc, gia cầm…), trứng và các sản phẩm trứng, mật ong và lâm sản. Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Phùng Hữu Hào nhận định: Các quy định quản lý chất lượng, ATVSTP mới nghiêm ngặt hơn theo nguyên tắc kiểm soát từ gốc và theo chuỗi (kể cả tại nước xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam), sẽ giúp người tiêu dùng chắc chắn được hưởng các sản phẩm nhập khẩu với tiêu chuẩn chất lượng, ATVSTP tốt hơn. Theo ông Phùng Hữu Hào, căn cứ để xây dựng các chỉ tiêu, mức giới hạn cho phép cũng như các quy trình, thủ tục kiểm tra là các bộ tiêu chuẩn của Ủy ban Codex (Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế) và sẽ tương đương với quy định của EU và Mỹ, là những nước có tiêu chuẩn và quy trình kiểm soát hàng hóa thực phẩm nhập khẩu khắt khe nhất thế giới hiện nay.
Theo đó, cơ quan chức năng của nước xuất khẩu hàng vào Việt Nam sẽ phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền trong nước tên các cơ sở sản xuất, kinh doanh đáp ứng được các điều kiện ATVSTP mà chúng ta quy định và chỉ những đơn vị này mới được phép xuất hàng vào Việt Nam. Ngoài ra, các lô hàng nhập phải kèm theo giấy chứng nhận ATVSTP do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp. Đối với những lô hàng vi phạm, ngoài việc buộc tái xuất hoặc tiêu hủy, Việt Nam sẽ đình chỉ nhập khẩu đối với các DN vi phạm hoặc quốc gia mà kết quả kiểm tra không đáp ứng đầy đủ quy định.
Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 5 nước là Mỹ, Australia, Trung Quốc, Canada và Thái Lan đăng ký với Việt Nam. Đối với các nước không thực hiện đúng quy định của Việt Nam, các lô hàng nhập khẩu của những nước chưa đăng ký sẽ bị cấm nhập khẩu vào nước ta.
Biến sức ép thành động lực
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Rau, quả, nông sản Việt Nam, Nguyễn Văn Thành nhận định, các DN nhập khẩu bước đầu sẽ gặp khó khăn bởi chất lượng hàng nâng lên sẽ đồng nghĩa với giá cao hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, những khó khăn này sẽ dần chuyển sang vai chính các DN và người nông dân sản xuất nội địa. Theo lý giải của ông Thành, các loại rau, củ, quả của Trung Quốc năng suất luôn cao hơn dẫn đến giá rẻ hơn, nếu chất lượng chinh phục được người tiêu dùng thì chắc chắn sẽ tạo ra sức ép đối với các loại rau, củ, quả sản xuất trong nước. Do vậy, tuân thủ đầy đủ các quy định và hướng dẫn của các cơ quan chức năng trong suốt quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ theo hướng áp dụng VietGAP, GAHP, GAqP, GMP… chính là cách để các DN và nông dân biến sức ép thành lực đẩy, không để mất thị trường vào tay hàng ngoại.
Để thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan được Nhà nước giao chức năng quản lý, cần sự vào cuộc của toàn xã hội, nhất là sự quan tâm của chính quyền và sự hưởng ứng của người tiêu dùng. Trong việc quản lý chất lượng ATVSTP nông, lâm, thủy sản, các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về Luật An toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức cho người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng. Xây dựng và quảng bá những mô hình, thương hiệu nông sản bảo đảm ATVSTP rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người người tiêu dùng biết và lựa chọn. Đào tạo, tập huấn giúp người nông dân mở rộng quy mô áp dụng các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GMP…) trong toàn bộ quá trình từ khâu sản xuất, thu gom, bảo quản, sơ chế đến tiêu thụ; dần xây dựng thương hiệu, quảng bá và giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.