Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cấp đê biển: Chậm chạp và lãng phí

Thúy Nga| 03/07/2010 05:47

(HNM) - Bộ NN&PTNT vừa tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm (2006-2010) thực hiện chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam.

Nâng cấp đê biển ở Hải Hậu (Nam Định). Ảnh: Chu Khôi


Tiến độ chậm, kinh phí thiếu và dàn trải
Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về củng cố, bảo vệ, nâng cấp gần 1.700km đê biển tại các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Nam, các địa phương đã củng cố, nâng cấp được 272km, đạt gần 20%, xây dựng mới 42/1.005 cống trọng điểm xung yếu, trồng 132ha cây chắn sóng bảo vệ đê, đạt gần 2%. Theo ông Trần Quang Hoài, Cục trưởng Cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (Bộ NN&PTNT), tiến độ củng cố, nâng cấp đê biển quá chậm và bộc lộ nhiều bất cập. Không những thiếu kinh phí mà việc đầu tư còn dàn trải, tổ chức các ban quản lý dự án cũng chưa thực sự thống nhất. Có nơi, gói thầu bị chia nhỏ dẫn đến nhiều công trình bị chậm tiến độ không kịp hoàn thành trước mùa mưa bão của năm kế hoạch, buộc công trình xây dựng dở dang đưa vào chống bão gây lãng phí, tốn kém.

Ông Hoài cho biết, mức đầu tư trong 5 năm qua quá thấp. Tổng kinh phí thực hiện là 3.000 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch. Tính trung bình mỗi năm, ngân sách nhà nước đầu tư 600 tỷ đồng cho việc củng cố, nâng cấp đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam. Trong khi đó, vấn đề này chưa được lồng ghép với các chương trình khác, các địa phương chủ yếu là sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp để đầu tư củng cố, nâng cấp mà chưa huy động được các nguồn lực từ xã hội, nhất là nguồn vốn tự có của địa phương.

Theo Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sau khi củng cố, nâng cấp, tuyến đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam) sẽ bảo đảm chống được bão cấp 9 tổ hợp với triều cường tần suất 5%, khu vực tập trung đông dân cư chống được gió bão cấp 12 với mực nước triều trung bình tần suất 5%.

Điều đáng nói, việc đầu tư trồng cây chắn sóng, rừng ngập mặn một số địa phương gặp nhiều khó khăn và chưa được thực hiện nghiêm túc. Tại tỉnh Nam Định, tính đến nay vẫn chưa trồng được một cây chắn sóng theo Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Lý giải vấn đề này, lãnh đạo tỉnh viện dẫn lý do: Đất ven đê ở đây chủ yếu là đất nghèo (đất cát) và bị ngập sâu nên trồng cây nào chết cây đó. Tuy nhiên ở thành phố Hải Phòng, địa phương có khá nhiều diện tích đất nghèo nhưng rất tích cực cải tạo đất và tìm tòi các giải pháp kỹ thuật thích hợp nên diện tích đất trồng cây chắn sóng khá lớn. Trong 5 năm qua, toàn thành phố đã trồng được 3.000ha cây chắn sóng thông qua các chương trình xã hội hóa.

Ưu tiên đầu tư trọng tâm, trọng điểm
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình củng cố, nâng cấp đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, sẽ ưu tiên đầu tư tu bổ, nâng cấp các đoạn đê xung yếu, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa thu hút đầu tư. Bộ trưởng nhất trí với kiến nghị của đại diện các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện rà soát quy hoạch, lập quy hoạch tổng thể tuyến đê biển, đê cửa sông, sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư; tăng cường trồng cây chắn sóng ở các khu vực trồng được, tạo bãi, cải tạo đất để thuận lợi hơn cho việc trồng cây chắn sóng. Bộ trưởng hứa sẽ chỉ đạo quyết liệt các cơ quan của Bộ tập trung nghiên cứu cây trồng thích hợp với chất đất, bảo đảm đến năm 2013 hoàn thành việc trồng cây chắn sóng trên tuyến đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam. Cùng với đó, Bộ sẽ ban hành hướng dẫn phân cấp quản lý đê, duy tu, bảo dưỡng đê biển sau đầu tư nhằm khai thác hiệu quả bền vững các nguồn lợi phát triển kinh tế.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, việc củng cố, nâng cấp đê biển là chủ trương lớn của Chính phủ, góp phần giảm nhẹ thiên tai cũng như tính mạng, tài sản của nhân dân. Do đó, các địa phương cần nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của nó, bởi đây là hệ thống phòng thủ ven biển trước những diễn biến dị thường của thiên tai. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành có liên quan rà soát lại Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg để tuyến đê biển có thể kết hợp làm đường giao thông, công trình thủy lợi và thích ứng với những biến đổi khí hậu và nước biển dâng trước tình hình mới. Việc thực hiện phải được tính toán một cách căn cơ, trên cơ sở kết hợp đa dạng các nguồn vốn đầu tư, tránh tình trạng đê biển phải giải ngân như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cấp đê biển: Chậm chạp và lãng phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.