(HNM) - Từ năm 2009 đến nay, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã xây dựng 46 cầu vượt đi bộ trên các tuyến đường, phố ở địa bàn thành phố. Tuy nhiên, sau 10 năm, nhiều cầu có dấu hiệu sử dụng không hiệu quả vì vắng người qua lại; một số cầu biến thành “chợ”, là nơi xả rác... Yêu cầu đặt ra hiện nay, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư xây dựng cầu đi bộ phù hợp quy hoạch, cần nâng cao ý thức sử dụng của mỗi người dân.
Có cũng như không
Khảo sát tại một số cầu đi bộ trên địa bàn Thủ đô, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận sự vắng vẻ đến đáng buồn. Tại các cầu vượt trên phố Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên); phố Giảng Võ (quận Ba Đình); đường Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy)… theo quan sát của phóng viên trong nhiều giờ chiều 14-8-2019, không thấy người sử dụng. Lý do của tình trạng này được người dân trong khu vực phản ánh là việc xây dựng cầu tại các vị trí chưa hợp lý nên người đi bộ không sử dụng.
Tại cầu vượt đi bộ ngã tư Đại Cồ Việt - Nguyễn Đình Chiểu, dù đây là nút giao thông đông đúc, nhưng người đi bộ vẫn băng qua đường, không sử dụng cầu vượt. Người dân cho biết, việc lắp đặt vị trí cầu gần ngã tư đèn xanh - đỏ, lại có vạch kẻ cho người đi bộ là chưa hợp lý.
Một thực trạng đáng buồn khác là một số cầu vượt đi bộ đã bị xuống cấp trầm trọng. Điển hình như cầu đi bộ Tân Mai, đoạn trước cổng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Mai (quận Hoàng Mai); cầu đi bộ Nguyễn Chí Thanh… xuất hiện tình trạng mặt cầu, bậc cầu thang xuống cấp, nhiều đoạn bị gỉ, mọt, lồi lõm; phần mái cầu bong tróc... Bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công trình giao thông Hà Nội cho biết, hai cầu đi bộ này dù đã hoạt động nhưng chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao cho công ty thực hiện công tác quản lý, bảo trì nên bị xuống cấp.
Trong khi đó, tại một số cầu đông người đi lại nhưng trong tình trạng lộn xộn, nhếch nhác do người kinh doanh chiếm dụng cầu để buôn bán. Phóng viên có mặt tại cầu vượt đi bộ đường Giải Phóng - Lê Thanh Nghị, đoạn trước cổng Bệnh viện Bạch Mai lúc 10h30 ngày 14-8, dưới chân cầu thang lên cầu có gần 10 xe ôm án ngữ để "săn" khách. Một "chợ cóc" hình thành ngay dọc cầu thang và trên cầu. Chưa kể, những tấm quảng cáo đủ màu sắc cũng được treo lên thành cầu. Anh Trần Văn Tú, phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) bức xúc: "Đi trên cầu, người bán hàng chèo kéo mua hàng làm người đi bộ rất mệt mỏi”.
Tương tự, tại cầu đi bộ Trần Đại Nghĩa, trước cổng Trường Đại học Kinh tế quốc dân vào khung giờ 19h-24h tối 14-8, người kinh doanh bán nước trà đá, đồ ăn, xả rác bừa bãi và có đông người tụ tập trên mặt cầu. Nguyên nhân của tình trạng này là người buôn bán nắm bắt được lượng người đi bộ qua cầu nên tận dụng mặt bằng để bán hàng. Một số đơn vị truyền thông cũng lợi dụng việc này để lắp đặt biển quảng cáo tại cầu bộ hành...
Trung tá Nguyễn Văn Hà, Phó Trưởng Công an phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) cho biết, dù các lực lượng chức năng đã tăng cường xử phạt hành vi lấn chiếm cầu để kinh doanh, nhưng khi không có lực lượng kiểm tra, ứng trực, vi phạm lại tái diễn.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Trao đổi về thực trạng sử dụng cầu vượt đi bộ trên địa bàn thành phố, bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công trình giao thông Hà Nội cho biết, hiện các cầu đi bộ do công ty quản lý đều được duy tu, bảo trì theo đúng quy trình, không có tình trạng xuống cấp. Trường hợp khi phát hiện vi phạm, công ty gửi công văn đến UBND và công an phường sở tại, Thanh tra giao thông - vận tải đề nghị phối hợp cùng kiểm tra, xử lý vi phạm.
“Công ty cũng sẽ nghiên cứu kiến nghị Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội xây dựng cầu đi bộ tại những điểm thuận tiện. Đồng thời, kiến nghị các lực lượng chức năng tăng cường xử phạt trường hợp đi bộ qua đường không đúng quy định”, bà Đỗ Thị Thanh Thủy đề xuất.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) cho rằng, về lâu dài, Sở sẽ kiến nghị tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật giao thông đến tổ dân phố, trường học để từng bước nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông. Đồng thời các lực lượng chức năng tăng cường công tác phát hiện, xử lý nghiêm khắc các hành vi qua đường không đúng nơi quy định, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nâng mức xử phạt để đủ sức răn đe. Sở cũng tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung xây dựng các cầu đi bộ bảo đảm phù hợp quy hoạch, mỹ quan và thuận tiện.
Với các tuyến đường mới mở, hoặc cải tạo nâng cấp, Sở sẽ nghiên cứu đồng bộ các giải pháp cho người đi bộ như bố trí vỉa hè, kẻ vạch sơn, xây dựng cầu vượt, hầm chui. Ngoài ra, bổ sung hệ thống biển báo, biển hướng dẫn thuận tiện, tăng cường các biện pháp kỹ thuật để người tham gia giao thông sử dụng cầu vượt bộ hành như: Lắp hàng rào, trồng cây xanh tại dải phân cách giữa...
Hy vọng, với việc thực hiện đồng bộ những giải pháp kể trên sẽ từng bước phát huy hiệu quả của cầu vượt bộ hành, góp phần bảo đảm an toàn giao thông và văn minh đô thị.
Theo quy định tại Điều 9, Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ, người đi bộ vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn sẽ bị phạt tiền 60.000-80.000 đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.