(HNMO) - Với mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển sản xuất, chính quyền địa phương của Hà Nội sẵn sàng các phương án tốt nhất để hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ, siêu thị... Ghi nhận ngày 16-10 tại các địa phương cho thấy, ý thức của người dân và các cơ sở kinh doanh, chợ... đã được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn cần sự nghiêm túc hơn nữa của người dân để việc phòng, chống dịch đạt kết quả tốt hơn.
Nâng cao hơn nữa ý thức người dân
Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa, ông Hà Anh Tuấn thông tin, ngày 8-1, UBND Quận Đống Đa đã ra văn bản chấn chỉnh việc quét mã QR để quản lý thông tin khách mua hàng tại các đơn vị, cơ sở trên địa bàn quận. Trong đó nhấn mạnh, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, các đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác chợ nghiêm túc triển khai việc khai báo y tế điện tử bằng hình thức quét mã QR đến 100% khách hàng ra, vào các điểm bán hàng để kiểm soát và cập nhật thông tin. Trường hợp nghẽn mạng, khách không có thiết bị điện tử hoặc không có năng lực sử dụng quét mã QR thì đơn vị cử người hướng dẫn khách khai báo trên tờ khai rồi cập nhật vào hệ thống theo quy định.
Thông báo trên đã được quận Đống Đa triển khai tại 21 phường trên địa bàn. Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở Hoàng Mạnh Dũng cho biết, đây là giải pháp cần thiết trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tại khu vực chợ Cầu Mới, UBND phường Ngã Tư Sở vẫn thực hiện nghiêm công tác kiểm soát phòng, chống dịch. Chị Nguyễn Thị Lan, quê ở Thanh Oai cho biết, từ 5h30 sáng tại các điểm ra vào chợ Cầu Mới đều có lực lượng công an, bảo vệ dân phố cắm chốt, đôn đốc, nhắc nhở các tiểu thương thực hiện quy định.
Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, ghi nhận tại các chợ Hàng Bè, Hàng Da, Đồng Xuân..., người ra vào chợ đều thực hiện nghiêm quy định "5K" và quét mã QR ngay lối vào chợ, có sự kiểm soát của bảo vệ. Anh Kiều Duy Mạnh, ở phố Chợ Gạo cho biết, việc quét mã rất thuận tiện và việc trao đổi mua bán qua vách ngăn chắn giọt bắn không gây khó khăn cho khách hàng. Điều này là cần thiết để bảo đảm an toàn cho mỗi người và cộng đồng.
Chia sẻ vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc Đặng Thị Hương Giang thông tin, ngoài chợ Hàng Bè vẫn duy trì việc bán hàng qua vách ngăn, quét mã QR, các cửa hàng kinh doanh ăn uống, giải khát trên địa bàn cũng được khuyến cáo nghiêm túc thực hiện các quy định phòng, chống dịch. Hằng ngày, hệ thống loa phường, thông tin lưu động trên địa bàn vẫn duy trì các bản tin phòng, chống dịch.
Tương tự, tại chợ 337 Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) tiếp tục duy trì việc kẻ vạch, lập rào ngăn cách người mua, bán cách nhau 2m như giai đoạn giãn cách. Ngoài ra, theo Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Nguyễn Việt Trung, Ban Quản lý chợ lập chốt trực để nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang, quét mã QR và thực hiện nghiêm quy tắc "5K".
Bên cạnh các địa phương thực hiện nghiêm công tác phòng dịch, vẫn còn một số nơi chủ quan, lơ là. Khảo sát của phóng viên Hànộimới sáng 16-10, trên nhiều tuyến phố như Hàng Than, Nguyễn Trường Tộ, Trúc Bạch, Châu Long... thuộc địa bàn các phường Trúc Bạch và Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình), nhiều cửa hàng ăn uống khá tấp nập khách ra vào. Trong đó, không ít cửa hàng còn chưa thực hiện nghiêm "5K", nhất là chưa giãn cách, nhiều cửa hàng cho khách ngồi hết công suất.
Tại chợ Châu Long, rất nhiều tiểu thương chủ quan không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng quy cách; một số cửa hàng ăn uống không có vách ngăn, không thực hiện giãn cách. Về khai báo phòng dịch, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, nhân viên Ban Quản lý chợ Châu Long cho biết, 5h sáng hằng ngày, Ban Quản lý bắt đầu trực và yêu cầu mọi người trước khi vào chợ quét mã QR, ai không có thiết bị quét mã thì khai báo ghi vào sổ. Chợ họp cả ngày, lượng khách không dồn đông, nhưng cả người mua và bán còn có biểu hiện chủ quan.
Hỗ trợ tối đa công tác phòng dịch
Sáng 16-10, qua khảo sát tại một số cửa hàng, cở sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn các xã, thị trấn Thường Tín, Hiền Giang, Tô Hiệu... thuộc huyện Thường Tín, các cơ sở đều in, dán mã QR, lắp dựng vách ngăn và sắp xếp chỗ ngồi cho thực khách bảo đảm khoảng cách... Tuy nhiên, lượng khách đến ăn sáng tại các quán khá vắng.
Chị Nguyễn Thu Hải, chủ cơ sở bán bún đậu tại thị trấn Thường Tín cho biết, gia đình đã dọn 10 bộ bàn ăn để tạo khoảng cách rộng hơn; đồng thời, lắp dựng 17 vách ngăn trên các bàn ăn... "Trước khi vào quán, chúng tôi luôn nhắc nhở khách hàng quét mã QR, sát khuẩn tay, ngồi theo nhóm gia đình hoặc một mình một bàn để phòng tránh lây nhiễm dịch Covid-19", chị Hải nói.
Trao đổi về công tác phòng, chống dịch của địa phương, Chủ tịch UBND thị trấn Thường Tín Nguyễn Văn Học cho biết, trên địa bàn thị trấn có 29 cơ sở, cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống. Để an toàn dịch bệnh, các tổ Covid-19 cộng đồng của thị trấn thường xuyên tuyên truyền, vận động, kiểm tra các hộ kinh doanh về việc chấp hành quy định, tạo, dán và yêu cầu khách quét mã QR... "Nếu phát hiện các trường hợp vi phạm quy định, thị trấn sẽ xử lý nghiêm, thậm chí yêu cầu đóng cửa", ông Nguyễn Văn Học khẳng định.
Tương tự, tại các xã Thịnh Liệt, Ngũ Hiệp, Vạn Phúc... thuộc huyện Thanh Trì, phần lớn hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh... chấp hành quy định dán mã QR, bố trí dung dịch sát khuẩn tay, sắp xếp giãn cách bàn ghế, chỗ ngồi cho thực khách, tiểu thương...
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt Nguyễn Văn Hưởng cho biết, để bảo đảm an toàn cho các tiểu thương kinh doanh tại chợ Quang cũng như người dân đến mua bán, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc thực hiện nguyên tắc "5K", nhất là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách trong quá trình mua bán...
Tại huyện Hoài Đức, Chủ tịch UBND xã Vân Côn Hoàng Văn Tuấn thông tin, đến thời điểm này, lực lượng thanh niên của xã đã hỗ trợ gần 1.200 chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn khai báo thông tin, tạo, dán mã QR...
"Thông qua việc hỗ trợ chủ các cơ sở kinh doanh tạo mã QR, xã cũng thuận lợi hơn trong việc quản lý di biến động của người dân, đẩy nhanh tiến độ truy vết, thu hẹp địa bàn phải cách ly y tế nếu xảy ra ca mắc, nghi mắc Covid-19. Ngoài biện pháp trên, xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, dù đã được tiêm vắc xin thì nguy cơ mắc và lây nhiễm Covid-19 vẫn rất cao nếu không thực hiện đúng nguyên tắc "5K" khi đến các chợ dân sinh, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống...", ông Hoàng Văn Tuấn nói.
Là một trong những hộ đầu tiên của xã Vân Côn tạo mã QR, bà Nguyễn Thị Hạnh, chủ cửa hàng kinh doanh bánh kẹo ở thôn Phương Quan chia sẻ: "Nhắc khách trước khi vào chọn hàng phải quét mã, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay hay giữ khoảng cách... cũng chính là cách để tự bảo vệ gia đình, người thân và cộng đồng của mình. Khi thấy gia đình tôi thực hiện nghiêm túc quy định phòng dịch, khách đến mua hàng cũng đông hơn".
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.