Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao ý thức người sản xuất và kinh doanh

Ngọc Quỳnh| 17/04/2015 06:31

(HNM) - Việc giám sát trên diện rộng cho thấy, tỷ lệ mẫu rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, mẫu thịt nhiễm vi sinh vượt giới hạn cho phép tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức khá cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Song việc giám sát trên diện rộng cho thấy, tỷ lệ mẫu rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, mẫu thịt nhiễm vi sinh vượt giới hạn cho phép tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức khá cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nhằm nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, người sản xuất và tiêu dùng trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), thành phố đã triển khai "Tháng hành động vì ATTP" năm 2015 với chủ đề "Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn".

Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm các sản phẩm rau, củ, quả, thực phẩm chế biến sẵn tại siêu thị VinMart Royal City. Ảnh: Dương Ngọc


Tăng cường kiểm tra rau, thịt

Theo Sở NN&PTNT, trong quý I/2015, các đơn vị của ngành nông nghiệp đã thanh tra, kiểm tra tại 4 cơ sở kinh doanh rau, quả và sản phẩm chè, lấy 8 mẫu để kiểm tra chất lượng; thực hiện kiểm tra đối với 4 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, lấy 4 mẫu để kiểm tra chất lượng, niêm phong 140 gói thuốc sai quy định về nhãn, tịch thu 41 chai thuốc cấm sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam và 400 gói thuốc ngoài danh mục được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam; tiêu hủy trên 9.000kg sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cũng trong quý I, Ban Chỉ đạo vệ sinh ATTP thành phố đã tổ chức kiểm tra, xếp loại được 67 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Kết quả có 5 cơ sở xếp loại A, 46 cơ sở xếp loại B và 16 cơ sở xếp loại C (chưa đạt). Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã cũng kiểm tra được 84 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Kết quả có 12 cơ sở xếp loại A, 67 cơ sở xếp loại B và 5 cơ sở xếp loại C. Trước thực trạng đó, với mục tiêu bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối, đồng thời giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm từ rau, thịt mất ATTP, ngành nông nghiệp đã triển khai "Tháng hành động vì ATTP" từ ngày 15-4 đến 15-5, trong đó tập trung vào hai sản phẩm chính là rau, thịt.

Ông Hoàng Văn Thám - Phó phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết, hiện nay việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản mặc dù được kiểm soát gắt gao nhưng tình trạng vi phạm vẫn còn nhiều. Do đó, việc triển khai tháng hành động sẽ có tác dụng trong việc nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước, người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng. Theo đó, huyện sẽ tập trung cao độ triển khai Tháng hành động vì ATTP trên địa bàn, tuyên truyền, tập huấn cho 100% cán bộ làm công tác ATTP các xã, thị trấn, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh tiến độ xác nhận cho các đối tượng cần xác nhận kiến thức về ATTP; tiếp tục cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở được phân loại A, B, phấn đấu từ nay đến cuối năm đạt 80 - 100%. Tuy nhiên, huyện đang gặp khó khăn về kinh phí; phương tiện và thiết bị phục vụ cho công tác thanh, kiểm tra đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nhiều lĩnh vực còn thiếu những văn bản pháp lý làm cơ sở cho xử lý sau thanh tra hoặc có nhưng còn nhiều bất cập, không thống nhất...

Đẩy mạnh tuyên truyền

Ông Trần Mạnh Giang - Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội cho rằng, công tác bảo đảm ATTP được thành phố quan tâm chỉ đạo, các cấp các ngành vào cuộc rất sâu sát. Chủ đề Tháng hành động năm 2015 là rau, thịt nhưng để triển khai sâu rộng và có kết quả tốt, đề nghị thành phố bố trí nguồn lực hỗ trợ các huyện về tài liệu mẫu tuyên truyền, kinh phí để in các văn bản pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng để thu thập nguồn thông tin phản ánh sai phạm nhằm phục vụ cho công tác kiểm tra được kịp thời, có hiệu quả theo quy định. Bên cạnh đó khuyến khích người dân áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, bảo đảm an toàn để có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ...

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người sản xuất, người kinh doanh và tiêu dùng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm tra chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản theo hướng tập trung vào một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến từ rau thịt, thực hiện cam kết bảo đảm ATTP theo quy định của pháp luật. Tổ chức giám sát chất lượng thực phẩm trong quá trình sản xuất, lưu thông thường xuyên và định kỳ lấy mẫu xét nghiệm theo quy định, qua đó xử lý nghiêm các vi phạm. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, thịt đã được xếp loại C theo kết quả các đợt kiểm tra theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát phối hợp với các cấp chính quyền trong việc thu hẹp, tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, không bảo đảm chất lượng và môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao ý thức người sản xuất và kinh doanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.