(HNM) - Tối 7-6, Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á (WEF Đông Á) lần thứ 19 đã bế mạc sau hai ngày làm việc với nhiều phiên thảo luận các vấn đề liên quan đến vai trò đang lên của châu Á trong phát triển toàn cầu. Đánh giá về WEF Đông Á, Giám đốc Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực châu Á Sushant Palakurthi Rao cho rằng, diễn đàn đã thành công vượt quá sự mong đợi và đã nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
* Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng tiếp Phó Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Vương Chí Trân
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy
(HNM) - Tối 7-6, Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á (WEF Đông Á) lần thứ 19 đã bế mạc sau hai ngày làm việc với nhiều phiên thảo luận các vấn đề liên quan đến vai trò đang lên của châu Á trong phát triển toàn cầu. Đánh giá về WEF Đông Á, Giám đốc Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực châu Á Sushant Palakurthi Rao cho rằng, diễn đàn đã thành công vượt quá sự mong đợi và đã nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
>>Châu Á - Đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới
Các yếu tố để Giám đốc Diễn đàn Kinh tế thế giới khu vực châu Á Sushant Palakurthi Rao đánh giá WEF Đông Á thành công vượt mong đợi, đó là sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia; là số lượng 500 đại biểu đến từ các quốc gia, trong đó có trên 80% nắm các chức vụ quan trọng trong công ty và sự quan tâm của các đơn vị truyền thông. Các đại biểu dự hội nghị cũng bày tỏ niềm vui với sự đón tiếp nồng nhiệt của Việt Nam và cho biết sẽ quay trở lại trong các kế hoạch đầu tư.
Trong ngày 7-6, các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp tiếp tục thảo luận về những yếu tố để châu Á phát triển bền vững trong tương lai. Trong đó, phát triển xanh được các đại biểu hết sức chú trọng. Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Yoon Jong-Soo cho rằng, tăng trưởng xanh không phải là một tùy chọn mà là mô hình mới phải được thực hiện. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, Hàn Quốc đã chi 30 tỷ USD như một gói kích cầu vào các dự án thân thiện với môi trường, mà theo ông Yoon Jong-Soo là một hành động "dũng cảm". Trong các chính sách tăng trưởng hướng vào sạch và xanh, đất nước này sẽ phân bổ 2% GDP mỗi năm vào nghiên cứu và phát triển và ưu đãi cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Việt Nam Nguyễn Thái Lai cho biết, Việt Nam là một trong năm quốc gia được coi là dễ bị tổn thương nhất đối với các tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm và đã thành lập ủy ban cấp cao do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trực tiếp để ứng phó với các vấn đề về biến đổi khí hậu. Việt Nam đã xây dựng những chiến lược, chương trình ngắn và dài hạn trong vấn đề bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Với sự hỗ trợ của cộng đồng thế giới, Việt Nam cũng đã thành lập quỹ biến đổi khí hậu với số vốn 200 triệu USD…
Việt Nam là nước đang xuất khẩu rất nhiều gỗ, vậy vấn đề bảo vệ tài nguyên của Việt Nam như thế nào cũng được các đại biểu đặt ra. Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho biết, Việt Nam nhận thức rõ ràng vấn đề này và đang cố gắng giải quyết việc để bảo vệ tài nguyên lâm sản. Chính phủ đã có chương trình tái tạo trồng rừng với kinh phí 5 triệu USD và thúc đẩy trồng rừng ngập mặn, dừng khai thác gỗ bất hợp pháp và phân cấp cho địa phương bảo vệ rừng. Các đại biểu đánh giá, việc phân cấp cho địa phương bảo vệ rừng của Việt Nam là rất tích cực và Việt Nam đang phát triển rất đúng hướng.
Ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam, Hàn Quốc và chính phủ các nước châu Á khác trong nỗ lực bảo vệ môi trường, tuy nhiên, ông Eckhard Cordes, Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Metro và là đồng Chủ tịch WEF Đông Á cho rằng, để bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh cần phải thực hiện nhiều hơn nữa. Các nước đã đầu tư rất nhiều cho môi trường nhưng ô nhiễm vẫn đang gia tăng. Các nước vẫn còn những cái nhìn khác nhau về vấn đề này. Theo các đại biểu, cần có những chế tài thực hiện lớn hơn và hợp tác công - tư là hết sức quan trọng trong vấn đề này. Để có những sản phẩm xanh, chính phủ nên có ưu tiên cho những công ty xanh, khuyến khích bằng những ưu tiên về thuế, vốn… cho doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng phải biết rằng, phát triển sản phẩm xanh cũng là một cách xây dựng nhãn hiệu công ty một cách hữu hiệu nhất.
Các phiên đối thoại song song về mối liên kết nội khối trong khu vực ASEAN; phiên họp bàn về tài chính của châu Á, làm thế nào để các ngân hàng châu Á cùng với các chính sách tiền tệ liên kết tăng cường được vai trò toàn cầu của mình trong lĩnh vực tài chính; những giải pháp cho nguồn nhân lực cũng được thảo luận trong phiên "Thế hệ tài năng tiếp theo của châu Á",… Trong khuôn khổ diễn đàn, 12 công ty trên toàn cầu gồm Cargill, Dupont, Metro Group, Monsanto, Nestlé, PepsiCo, Unilever… đã cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện chương trình hợp tác công - tư để phát triển nông nghiệp bền vững, mang lại lợi ích cho nông dân…
Tiếp xúc với báo giới, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Xuân Hưng nhận xét, dù lần đầu tiên tổ chức tại một nước có nền kinh tế đang phát triển, tuy nhiên diễn đàn đã thành công tốt đẹp. Về mặt lợi ích phát triển kinh tế đối ngoại, ông Hưng cho rằng, đến với Việt Nam lần này, báo chí quốc tế cũng như các doanh nhân nước ngoài đã có dịp chứng kiến sự năng động, phát triển, ổn định về mặt chính trị. "Điều sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến của du khách quốc tế, đồng thời cũng là cơ hội để kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài", ông Hưng nói. Bên cạnh đó, những ý tưởng mới cho hoạt động sản xuất, kinh doanh được bàn thảo tại diễn đàn sẽ giúp ích rất nhiều cho các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạch định chiến lược và phát triển trong tương lai.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tiếp Phó Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Vương Chí Trân: Tạo động lực cho quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc Chiều 7-6, tại trụ sở Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Phú Trọng đã tiếp bà Vương Chí Trân, Phó Chủ tịch Hội nghị chính trị Hiệp thương toàn quốc (Chính hiệp) Trung Quốc, nhân dịp sang Việt Nam dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về Đông Á. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rằng, Việt Nam tin tưởng, trên cơ sở quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống vốn có, mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc sẽ tiếp tục được tăng cường, củng cố và ngày càng phát triển tốt đẹp vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Chủ tịch QH đề nghị, cùng với việc duy trì thường xuyên các chuyến thăm, gặp gỡ ở cấp cao, hai bên quan tâm thúc đẩy hơn nữa các mối quan hệ giao lưu, hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương của hai nước, qua đó tăng cường sự tin cậy, tạo động lực cho sự phát triển ngày càng sâu rộng của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Phó Chủ tịch Vương Chí Trân đã trao đổi về sự tương đồng trong chính sách phát triển của hai quốc gia, về việc vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào công cuộc xây dựng, phát triển của mỗi nước, nhất là trong chính sách tập hợp, đoàn kết nhân dân, chuyển đổi phương thức sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái… Phó Chủ tịch Vương Chí Trân hoàn toàn nhất trí, cần tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Trung Quốc và Việt Nam. |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy: Việt Nam và ASEAN mong muốn sớm kết thúc vòng đàm phán Doha Bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á tại TP Hồ Chí Minh, ngày 7-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới WTO Pascal Lamy nhân dịp ông sang tham dự diễn đàn này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn ông P. Lamy tiếp tục dành sự quan tâm và hỗ trợ Việt Nam trong việc tham gia ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn vào các hiệp định của WTO cũng như tiếp tục hỗ trợ tư vấn kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ Việt Nam cùng các nước ASEAN mong muốn sớm kết thúc Vòng đàm phán Doha với kết quả cân bằng, thiết thực và tính đến lợi ích của các nước đang và kém phát triển. Kết thúc sớm Vòng đàm phán Doha là bước tiến quan trọng để xây dựng và phát triển thương mại tự do và công bằng hơn. Tổng Giám đốc P.Lamy khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng lộ trình trong từng giai đoạn cụ thể nhằm tạo bước đi vững chắc trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu, tiếp tục hỗ trợ tư vấn kỹ thuật và tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam vào làm việc tại WTO; đồng thời mong muốn Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN tham dự Hội nghị G20 sắp tới tại Canada sẽ có tiếng nói quan trọng, góp phần thúc đẩy Vòng đàm phán Doha kết thúc đúng hạn. Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn công nghiệp, tài chính quốc tế lớn gồm Tập đoàn Dubai Holding¸ Deutsche Post DHL, Manpower... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.