(HNM) - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có quyết định công nhận Cụm tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nhỏ quận Cầu Giấy - Hà Nội là Khu công nghệ thông tin tập trung Cầu Giấy-Hà Nội.
Với việc công nhận này, Hà Nội trở thành một trong 3 địa phương cùng với TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có khu CNTT tập trung, qua đó sẽ góp phần nâng cao vị thế thương hiệu CNTT Hà Nội.
Hoạt động nghiệp vụ của nhân viên Công ty FPT Software. Ảnh: Bảo Lâm |
Khu CNTT tập trung Cầu Giấy với tiền thân là Cụm sản xuất tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nhỏ Cầu Giấy được thành lập năm 2001 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao đất để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Cụm có diện tích 8,35ha, đến nay đã có 36 DN đầu tư sản xuất kinh doanh, xây dựng các tòa nhà văn phòng cho thuê, hiện 29 tòa nhà đã khai thác. Trong số này có 15 DN CNTT và hầu hết đều là những DN mạnh của ngành như FPT, CMC, Misa, Hài Hòa… với gần 8.000 lao động. Ngoài ra, còn có 30 DN đang thuê văn phòng hoạt động liên quan đến lĩnh vực CNTT. Như vậy, có thể nói tại đây đã hình thành một loạt DN trong lĩnh vực CNTT cùng sản xuất kinh doanh.
Với việc được công nhận là khu CNTT tập trung, các DN CNTT tại đây sẽ được hưởng những lợi ích thiết thực, được nêu trong quyết định mà Bộ TT-TT vừa ban hành có hiệu lực từ ngày 28-8-2013. Đó là các tổ chức, cá nhân đầu tư và hoạt động trong Khu CNTT tập trung Cầu Giấy được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước áp dụng đối với khu công nghệ cao theo quy định của pháp luật về khu công nghệ cao. Cụ thể theo Điều 10 Luật Công nghệ cao quy định: Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ cao được ưu đãi, hỗ trợ như: Hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; được xem xét hỗ trợ chi phí từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và kinh phí khác có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Các DN còn có thể được hưởng các chính sách ưu đãi khác tùy theo chính sách từng địa phương như giảm giá cho thuê mặt bằng, hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ xuất khẩu phần mềm, hỗ trợ xúc tiến thương mại.
Theo lãnh đạo Sở TT-TT Hà Nội, Sở sẽ phối hợp với UBND quận Cầu Giấy và các sở, ngành liên quan bàn phương án hỗ trợ cho DN hoạt động trong Khu CNTT tập trung này, từ đó tham mưu cho UBND thành phố có chính sách hỗ trợ riêng với Khu CNTT tập trung Cầu Giấy. Việc Bộ công nhận là Khu CNTT tập trung cũng đem lại lợi ích trong phát triển thương hiệu cho DN, nhất là DN CNTT khi giao dịch với đối tác nước ngoài sẽ tạo được sự tin cậy và ấn tượng tốt với đối tác.
Với Thủ đô Hà Nội, thời gian gần đây, nhờ những nỗ lực đầu tư cho hạ tầng CNTT nhằm thúc đẩy ứng dụng phục vụ hoạt động nội bộ, người dân và DN đã đưa Hà Nội vươn lên vị trí thứ hai về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước năm 2012. Nhằm vươn lên vị trí hàng đầu, năm 2013, thành phố đã phê duyệt Quy hoạch phát triển CNTT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phê duyệt chương trình phát triển CNTT TP Hà Nội… Trong đó dành kinh phí không nhỏ tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng CNTT phục vụ nhu cầu ứng dụng, từng bước xây dựng chính quyền điện tử. Để hoàn thành các mục tiêu này, thành phố kêu gọi các DN CNTT trên địa bàn tham gia hỗ trợ. Từ đầu năm đến nay, Sở TT-TT Hà Nội đã hai lần tổ chức tham vấn DN trên địa bàn góp ý, tư vấn cho các chương trình phát triển CNTT. Đáng chú ý, trong các buổi làm việc với các DN viễn thông, CNTT, lãnh đạo thành phố đều kêu gọi hỗ trợ và đều nhận được cam kết sẵn sàng hỗ trợ thành phố thúc đẩy ứng dụng CNTT bằng nhiều hình thức. Có thể nói rằng việc công nhận Khu CNTT tập trung Cầu Giấy sẽ quy tụ được DN CNTT tại đây thành khối liên kết vì sự phát triển chung của ngành CNTT Hà Nội.
Theo Kế hoạch phát triển công nghiệp CNTT trên địa bàn do UBND thành phố ban hành ngày 26-6-2013, thành phố sẽ hình thành và đẩy mạnh hoạt động Khu CNTT tập trung của Hà Nội trên cơ sở công nhận Cụm tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nhỏ Cầu Giấy. Xây dựng và đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử hỗ trợ các DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ; triển khai các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực DN CNTT, phát triển thị trường, đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Thành phố giao Sở TT-TT chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, các DN thực hiện 6 nhiệm vụ, trong đó có phát triển các khu công nghiệp CNTT tập trung và thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN công nghiệp CNTT trên địa bàn, phát triển thị trường cho công nghiệp CNTT… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.