Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao vai trò giám sát, phản biện

Thế Phương| 26/06/2014 06:34

(HNM) - Một trong những chức năng hết sức quan trọng của Mặt trận Tổ quốc các cấp là giám sát, phản biện xã hội, bởi lẽ Mặt trận chính là nơi thu thập rộng rãi tiếng nói của các đoàn thể chính trị - xã hội và của mỗi người dân.


Thời gian qua, với sự vào cuộc mạnh mẽ của Mặt trận các cấp, nhiều vấn đề dân sinh bức xúc đã được chuyển tới cơ quan chức năng, nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng đã được mang ra ánh sáng... Có thể nói vai trò giám sát của nhân dân là vô cùng quan trọng và không gì có thể thay được. Tuy nhiên, hoạt động giám sát, phản biện xã hội trong thời gian qua được đánh giá còn nhiều hạn chế. Vì sao như vậy?

Có thể nhận định rằng: Đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp hiện nay tuy đông đảo, bám sát cơ sở nhưng lại chưa đồng đều về trình độ, thiếu kiến thức chuyên ngành. Do vậy, có nhiều vấn đề người dân băn khoăn, thắc mắc, nhưng cán bộ Mặt trận không thể giải thích, không thể phản biện. Với các vấn đề mang tính chuyên ngành, các công trình, dự án ở cấp độ cao hơn, Mặt trận cũng chưa tập hợp được nguồn "chất xám" của đội ngũ chuyên gia để tăng tính hiệu quả của công tác giám sát, phản biện... Tình trạng nêu trên do nhiều nguyên nhân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể mới chỉ động viên nhân dân thực hiện quyền giám sát, tham gia giám sát cùng cơ quan dân cử chứ chưa có cơ chế giám sát, phản biện đầy đủ. Trong khi đó, yêu cầu của công tác giám sát, phản biện xã hội ngày càng cao như: Tổ chức phản biện một cách khoa học, nghiêm túc cho các dự thảo, các dự án, đề án trên cơ sở lý luận và thực tiễn để có kiến nghị xác đáng...

Vậy, làm thế nào để nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và đoàn thể các cấp? Muốn có những ý kiến giám sát, phản biện sắc sảo, có sức thuyết phục, thì bản thân những người làm công tác Mặt trận đặc biệt là cấp cơ sở phải có một trình độ nhất định, do vậy việc đầu tiên là nâng cao trình độ của cán bộ Mặt trận và đoàn thể các cấp. Thứ hai là cần có cơ chế để huy động nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia cho công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận. Thứ ba là cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp cần coi trọng một cách đúng mức vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận; đồng thời có cơ chế để bắt buộc người đứng đầu các cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến phản biện của người dân, của các đoàn thể. Thứ tư là huy động ngày càng nhiều người dân thực hiện tốt vai trò thành viên giám sát trong cộng đồng...

Giám sát và phản biện xã hội chính là công việc để bảo đảm cho việc các cơ quan nhà nước và những người đứng đầu các cơ quan đó kịp thời phát hiện, sửa chữa những điều chưa phù hợp với nguyện vọng và mong muốn của nhân dân. Đây là hoạt động hết sức cần thiết. Bởi lẽ, muốn có được sự lãnh đạo, điều hành đúng đắn, người đứng đầu các cơ quan chức năng phải lắng nghe được tiếng nói của nhân dân, thực sự tôn trọng ý kiến của nhân dân. Mặt khác, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể giữ vai trò là cầu nối giữa nhân dân với Đảng và chính quyền địa phương, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân; vì vậy, trong vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, cần lấy nhân dân làm lực lượng nòng cốt, để nhân dân trở thành những thành viên giám sát hiệu quả nhất ở cơ sở.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao vai trò giám sát, phản biện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.