Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao uy tín doanh nghiệp Việt

Quỳnh Chi| 22/04/2013 06:42

(HNM) - Sau những tai nạn thương tâm và nhiều vụ việc liên quan đến người lao động Việt Nam tại Liên bang Nga, sự tồn tại của những xưởng may

Ông Đỗ Quý Dương.


- Ông có thể cho biết phương châm hoạt động của Hội Dệt may Việt Nam tại Nga?

- Hội hiện có 30 thành viên, đều là chủ những doanh nghiệp dệt may tập trung chủ yếu ở Mátxcơva, Kazan, Ryazan, Kaluga. Hội được thành lập trên cơ sở của CLB May Thăng Long, với nhiệm vụ góp phần tạo môi trường thuận lợi để hợp tác và trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam tại Nga, thúc đẩy và tăng cường quan hệ hợp tác trong việc tổ chức sản xuất và kinh doanh. Ngoài ra, Hội có trách nhiệm tư vấn pháp lý cho các hội viên về pháp luật của nước sở tại, phổ biến công tác phòng chống cháy nổ, phối hợp với Hội Y dược Việt Nam tại Nga làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho công nhân, làm cầu nối giữa các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước với các doanh nghiệp thành viên nhằm tuyển dụng những lao động có tay nghề cao, sức khỏe tốt. Mục tiêu của chúng tôi là tạo nên một tổ chức để các doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, hợp tác thương mại và qua đó giúp gia tăng uy tín của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam làm ăn chân chính tại Nga. Ngoài ra, cũng giống như các đoàn thể khác, hội cũng tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội như đóng góp xây dựng Trường Sa, gây quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, ủng hộ đồng bào bão lụt...

- Thời gian qua liên tục có những sự việc không hay xảy ra đối với người lao động Việt Nam tại các xưởng may "đen" tại Nga, điều này có làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp đang làm ăn hợp pháp tại nước bạn không, thưa ông?

- Đúng là đã xảy ra những sự cố kiểu "con sâu bỏ rầu nồi canh". Điều này tập trung chủ yếu ở những xưởng may bất hợp pháp. Vì cách làm ăn thiếu minh bạch, chủ nhân của các xưởng kiểu này đã không bảo đảm uy tín đối với người lao động từ tiền lương tới điều kiện làm việc, ăn ở. Ở những xưởng may không hợp pháp, công tác phòng cháy chữa cháy cũng không được quan tâm đúng mức dẫn đến những tai nạn như vụ việc thương tâm xảy ra tại Egorevsk năm ngoái khiến 14 lao động người Việt thiệt mạng. Tôi cho rằng vì lợi nhuận, thực trạng này không dễ xóa bỏ nhanh chóng. Tuy nhiên, việc tìm hướng giải quyết để bảo vệ quyền lợi người lao động xa xứ là vô cùng cần thiết. Trên quan điểm đó, ngoài việc kết hợp với chính quyền địa phương, hiện tại, hội đang tích cực kêu gọi các doanh nghiệp dệt may gia nhập hội để cùng nhau chia sẻ thông tin, giúp đỡ nhau phát triển. Bên cạnh đó, theo tôi các công nhân Việt Nam muốn sang lao động trong ngành dệt may tại Nga cũng nên tìm hiểu kỹ càng để chọn ra những cơ sở thực sự uy tín, tránh để xảy ra những sự việc đáng tiếc.

- Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động của các doanh nghiệp toàn cầu trên nhiều lĩnh vực. Vậy, sự tác động của biến cố này đối với các doanh nghiệp dệt may tại Liên bang Nga ra sao, thưa ông?

- Dù dệt may là ngành mũi nhọn của người Việt tại Nga song thời gian qua, lĩnh vực kinh doanh này bị ảnh hưởng khá lớn. Không riêng gì các doanh nghiệp Việt Nam mà ngay chính các doanh nghiệp Nga cũng bị "thua thiệt". Trong năm 2013 sức mua gần như giảm một nửa ở thị trường Nga. Công ty của tôi cũng gặp không ít khó khăn cho dù đang dần ổn định. Theo tôi, những công ty nào có bề dày kinh nghiệm, trường vốn, có thể gọi là "thuyền to" thì sẽ vượt qua được sóng lớn. Còn những công ty làm ăn chộp giật, thiếu chiến lược thì rất khó tồn tại. Tôi nghĩ rằng khủng hoảng kinh tế như một cuộc thanh lọc, nó làm số lượng xưởng may ít đi nhưng tính ổn định sẽ cao hơn.

- Trong bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp dệt may có buộc phải sa thải công nhân để giảm khó khăn về kinh tế?

- Vì mục tiêu dài hạn, hầu hết các doanh nghiệp là thành viên trong Hội Dệt may đều xác định chấp nhận thiệt thòi về phía công ty để cố gắng bảo đảm cuộc sống của công nhân. Chúng tôi đã cam kết trả một mức lương tối thiểu và áp dụng chế độ nghỉ luân phiên khi ít việc, tức là một tháng có thể nghỉ từ 10 đến 15 ngày để lao động người Việt vẫn có thể sống trên đất khách bằng chính công sức của mình.

- Xin cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao uy tín doanh nghiệp Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.