(HNMO) - Dẫn chứng về tính thiếu chuyên nghiệp của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Trần Du Lịch - TP. Hồ Chí Minh nêu, ngay trong nhiệm kỳ khóa XII, một số các đại biểu được điều từ cấp vụ, các bộ về làm chuyên trách các Ủy ban nhưng làm 4 năm lại nghỉ hưu; số đại biểu kiêm nhiệm, cứ mỗi năm thay đến hơn 2/3 đại biểu…
Với 23 lượt ý kiến đóng góp, các đại biểu cơ bản đồng tình với những nội dung nêu trong báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XII. Báo cáo đã đánh giá tương đối toàn diện các mặt công tác của Quốc hội trong nhiệm kỳ, nêu bật được những thành tích đã đạt được, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại.
Chú trọng tới tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội
Theo các đại biểu, điểm nổi bật của Quốc hội khóa XII là đã phát huy cao độ bầu không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, cởi mở và có tính xây dựng trong hoạt động nghị trường nên đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng cử tri.
“Chính các hoạt động của Quốc hội thông qua không khí tranh luận dân chủ, thẳng thắn đã tạo nên sự phát triển tốt hơn và công việc điều hành đất nước có chất lượng hơn. Văn hóa tranh luận đối thoại công khai tại nghị trường trước khi tiến hành biểu quyết cho thấy Quốc hội đã thực sự là của dân, do dân và vì dân. Cử tri ngày càng yêu mến tin tưởng vào Quốc hội, bởi Quốc hội đã đại diện nói lên tiếng nói bảo vệ lợi ích của họ. Trong tiềm thức của cử tri đối với Quốc hội hôm nay không còn là những ông bà nghị gật”, đại biểu Lê Văn Cuông - Thanh Hoá nói.
Với nhận thức đó, đại biểu Cuông cho rằng, việc xây dựng một Quốc hội mạnh để đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nơi gửi gắm củng cố phát triển niềm tin của cử tri càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết và đó cũng chính là xu thế sức mạnh thời đại không gì ngăn cản nổi. Tuy nhiên muốn có được một Quốc hội mạnh, trước hết phải bắt đầu từ vai trò trách nhiệm của từng đại biểu Quốc hội, trong đó vai trò của đại biểu Quốc hội chuyên trách là rất quan trọng.
Chung quan điểm, đại biểu Trần Ngọc Vinh - TP Hải Phòng cũng cho rằng, để nâng cao chất lượng của Quốc hội, cần tiếp tục tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách ở các đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố và xác định rõ địa vị pháp lý của hoạt động của các đoàn đại biểu Quốc hội. Có như vậy, tính chuyên nghiệp trong hoạt động Quốc hội mới được nâng cao.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh lại cho rằng, nếu tăng đại biểu chuyên trách như cách làm hiện nay thì không hiệu quả mà quan trọng hơn là phải tăng tính chuyên nghiệp ở cả đại biểu chuyên trách và đại biểu không chuyên trách.
Dẫn chứng về tính thiếu chuyên nghiệp của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Lịch nêu, ngay trong nhiệm kỳ khóa XII, một số các đại biểu được điều từ cấp vụ, các bộ về làm chuyên trách các Ủy ban nhưng làm 4 năm lại nghỉ hưu; số đại biểu kiêm nhiệm, cứ mỗi năm thay đến hơn 2/3 đại biểu…
“Như vậy thì tính chuyên nghiệp cũng tự nó đã không còn nữa”, đại biểu Lịch nói.
Cũng theo đại biểu Lịch, ngoài việc xử lý tính chuyên nghiệp ở cả 2 loại đại biểu, cần tăng cơ quan tham mưu bộ máy giúp việc và thiết lập một định chế tư vấn để bớt bộ máy giúp việc, nhưng tăng chất lượng tư vấn như một định chế có ngân sách, có quy định để các Ủy ban của Quốc hội khai thác nguồn lực xã hội, trí tuệ xã hội để đóng góp cho Quốc hội một hình thức mà ít tốn kém nhất, hiệu quả nhất.
Cùng bàn về tính chuyên nghiệp của Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc - Đồng Nai tán thành, mặc dù tỷ trọng đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp nhưng quan trọng nhất là tính chuyên nghiệp của mỗi đại biểu Quốc hội, bất kể là đại biểu chuyên trách hoặc không chuyên trách.
“Một trong những vấn đề nảy sinh là việc tỷ lệ đại biểu Quốc hội mới sau mỗi nhiệm kỳ quá lớn hoặc không kế thừa được và không phát huy được vai trò đại biểu Quốc hội”, đại biểu Quốc nói.
Theo đại biểu Quốc, người dân bầu đại biểu Quốc hội trước hết về uy tín, uy tín xây dựng trên cơ sở năng lực, kỹ năng và quá trình thực tế mà người dân kiểm nghiệm, tất cả những yếu tố đó cần đến thời gian. Trong khi các đại biểu chuyên trách là những người có khả năng chuyên nghiệp cao nhất thì bị hạn chế bởi quan điểm có tính chất công chức hóa. Điều này khiến năng lực của Quốc hội bị giảm sút và uy tín của Quốc hội cũng bị người dân đặt câu hỏi.
“Không ít những vị đại biểu Quốc hội lần này sẽ không tham gia nữa chỉ bởi vì ngưỡng tuổi tác, công chức”, đại biểu Quốc bày tỏ.
Chia sẻ với đại biểu Quốc, đại biểu Nguyễn Đình Xuân - Tây Ninh đề nghị, Quốc hội phải tăng thêm tính chuyên nghiệp, tính liên tục, tính kế thừa.
“Quốc hội mà có đến 3/4 hoạt động không chuyên nghiệp thì cũng rất khó, hai nữa là một năm chúng ta họp cũng rất ít, tỷ lệ tái cử trong 3-4 khóa gần đây đều dưới 30%, như vậy tính kế thừa cũng không cao”, đại biểu Xuân nói.
Đại biểu Xuân đề nghị, cần chọn ra những đại biểu trẻ để có thể cống hiến được nhiều khóa và những người này phải tiêu biểu cho giới trẻ, có tiếng nói đối với giới trẻ và có tính đại diện cao. Đồng thời, Quốc hội phải giữ được những “tinh hoa”, những người lớn tuổi có thể không còn đủ tuổi để trở thành một quan chức, nhưng đủ tuổi để trở lại là đại biểu Quốc hội bình thường, có kinh nghiệm, có nhiệt huyết và còn sức khỏe.
Chủ động hơn trong việc làm luật
Theo nhận xét của đại biểu Nguyễn Ngọc Đào - TP Hà Nội, Quốc hội thời gian vừa “hơi vội vàng trong quy trình lập pháp”, cho nên có hiện tượng Quốc hội chấp nhận những gì Chính phủ đưa đến để bàn, thậm chí bàn một thời gian sau thấy chưa hợp lý lại bỏ qua, như vậy rất tốn kém về mặt thời gian, công sức và tiền bạc.
“Tôi đề nghị chúng ta không nên vì số lượng các luật mà nên vì chất lượng các luật có tính ổn định, lâu dài, khi đã đầu tư trí tuệ, tiền bạc thì luật đó chắc chắn phải đi vào cuộc sống và nó có lợi ích cho nhân dân, chứ không thể thỉnh thoảng lại sửa luật”, đại biểu Đào nói.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Bạc Liêu cho rằng, nhiệm kỳ qua, mặc dù Quốc hội đã cải tiến đổi mới nhiều vấn đề trong cách thức xem xét thông qua luật được nhanh hơn, nhiều hơn và chất lượng tốt hơn, đặc biệt là việc tổ chức hội thảo để tham khảo ý kiến của các chuyên gia hoặc khảo sát tiếp cận trực tiếp để lắng nghe các đối tượng được điều chỉnh nhưng chủ trì việc thực hiện vấn đề này vẫn còn dừng lại ở các cơ quan được Quốc hội giao cho soạn thảo hoặc một số thành viên của các cơ quan thẩm tra, còn ở đoàn đại biểu Quốc hội chủ yếu là tổ chức xin ý kiến các ban, ngành, tổ chức có liên quan để đóng góp, chưa lắng nghe được nhiều ý kiến của đối tượng điều chỉnh để các đại biểu có tính phản biện cao hơn trong việc đóng góp xây dựng pháp luật.
Chung nhận xét, đại biểu Lê Thị Dung - An Giang cho rằng, Quốc hội cần phải kiên quyết hơn, tập trung hơn, đặc biệt là phải chủ động hơn trong việc thực hiện chương trình xây dựng luật.
Theo đại biểu Dung, trong chương trình xây dựng luật cần phải tính đến đầy đủ các yếu tố trong nước và ngoài nước để khi thực hiện chúng ta không lúng túng khi xây dựng chương trình xây dựng luật hoặc đưa vào chương trình xây dựng luật mà không bị áp lực cuộc sống. Đồng thời, phản biện phải cao hơn và đa chiều hơn nữa, tránh những hiện tượng nể nang và không quyết liệt đối với những vấn đề Quốc hội thấy chưa ổn và cần phải tính toán.
Giám sát không phải để “đi”
Đánh giá cao công tác giám sát của Quốc hội nhiệm kỳ qua nhưng đại biểu Vũ Thị Phương Anh - Quảng Nam cũng thẳng thắn nhận xét, giám sát của Quốc hội hiện nay vẫn còn rất hành chính ở việc tới đơn vị, địa phương giám sát nghe báo cáo và mỗi thành viên trong đoàn giám sát được nhận báo cáo, còn để kiểm định lại thực tiễn đó như thế nào thì “chưa đi sâu”.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hữu Đồng - Nam Định bày tỏ, quá trình giám sát và các lực lượng giám sát của Quốc hội tham gia rất đông, thực hiện tổ chức ở rất nhiều địa phương nhưng là “giám sát để đi”. Theo đại biểu Đồng, giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm để từ đó đúc rút ra về vấn đề chính sách phải đổi mới cái gì, cuộc sống đang đòi hỏi cần cái gì để phục vụ ngay, chứ không phải giám sát “đi tràng giang đại hải”.
“Từ trong Mũi Cà Mau đến Mục Nam Quan là đoàn nào cũng đi cả, nhưng đi có một tuần mà đi đến ba, bốn tỉnh, tôi xin thưa làm sao có hiệu quả được, chưa nói đến tốn kinh phí và nhân lực đi đều tham gia phải mời toàn bộ các đại biểu không hiểu gì về nội dung nhưng vẫn cứ đi giám sát. Cho nên chúng ta dẫn đến lãng phí ở chỗ này nhiều”, đại biểu Đồng nói.
Đại biểu Nguyễn Văn Nhượng - Quảng Bình cũng nhận xét, những vấn đề về giám sát văn bản qui phạm pháp luật là một trong những khâu yếu của Quốc hội khóa trước, bây giờ đây cũng vẫn là khâu yếu.
“Tôi rất kỳ vọng nhiệm kỳ tới phải có nghiên cứu để có thể sửa đổi Hiến pháp, sửa đổi một số luật về tổ chức Quốc hội liên quan. Những vấn đề này cần phải được cân nhắc ở mức độ nào đó và cần phải có tiếp thu, sửa đổi thì mới tạo được sự tiến bộ trong hoạt động của Quốc hội”, đại biểu Nhượng nói.
Đi vào khía cạnh Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân, đại biểu Phạm Thị Loan - TP Hà Nội cho rằng, đại biểu Quốc hội “chỉ giống như một cái cầu, tức là chuyển đơn của cử tri từ khi nhận cho đến khi chuyển đến các cơ quan hành pháp mà không biết người ta sẽ giải quyết như thế nào”. Đại biểu Quốc hội cũng không có quyền năng thực sự để tác động hay khiến cho các cơ quan đó phải làm đúng theo luật, vì theo đúng luật thì trong vòng bao nhiêu ngày phải trả lời và trả lời thấu đáo như thế nào.
“Quyền năng giám sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân, của đại biểu Quốc hội hiện nay đang rất mờ nhạt, khiến cho nhân dân thiếu tin tưởng vai trò về quyền năng của đại biểu Quốc hội đối với thực thi pháp luật của các cơ quan hành pháp”, đại biểu Loan nói.
Ngày mai, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII sẽ bước vào ngày làm việc cuối cùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.