(HNM) - Là Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị, đầu tàu kinh tế và là nơi hội tụ tinh hoa dân tộc, hồn thiêng sông núi, Hà Nội cần có luật để làm hành lang pháp lý, cơ sở phát triển đúng với tầm vóc, vị thế. Bởi vậy, việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô có ý nghĩa không chỉ riêng với Hà Nội mà còn với cả nước. Báo Hànộimới xin phản ánh những tâm tư, suy nghĩ của người dân trước sự kiện đặc biệt quan trọng này…
Cầu Nhật Tân sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ góp phần phát triển kinh tế khu vực bắc sông Hồng. Ảnh: Huy Hùng |
Ông Nguyễn Doãn Thiều, ngõ 135 Đội Cấn (Ba Đình):
Tôi hết sức vui mừng trước việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô, bởi luật đáp ứng được nguyện vọng của người dân, cũng như tầm vóc của Thủ đô Hà Nội; đã được bàn thảo kỹ và chỉnh sửa nhiều lần. Luật được ban hành sẽ là "cú hích" quan trọng thúc đẩy Thủ đô phát triển. Một Thủ đô đẹp, giàu mạnh, trí tuệ, văn hiến là biểu tượng cho phẩm chất và văn hóa Việt Nam sẽ là điều mà hơn 80 triệu người dân cả nước mong muốn.
Anh Trần Trọng Toàn, chuyên viên Bộ Giáo dục - Đào tạo:
Với vị thế là Thủ đô, Hà Nội cũng đang gánh trên mình trách nhiệm chính trị rất lớn, vì vậy Hà Nội phải được trao những điều kiện thích hợp để hoàn thành sứ mệnh ấy. Nếu chỉ áp dụng những quy định chung của pháp luật, theo mặt bằng chung của cả nước thì với sức ép quá lớn về kinh tế - xã hội hiện tại và cả trong tương lai, chắc chắn Hà Nội có muốn đổi thay cũng chẳng thể làm gì được nhiều. Luật Thủ đô sẽ tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển, mà trước mắt là có cơ hội thoát khỏi những sức ép xã hội đô thị hiện tại.
Anh Nguyễn Ngọc Minh, ngõ 521 Trương Định (Hoàng Mai):
Luật Thủ đô xác định rõ ràng, cụ thể địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ đô trong hệ thống hành chính quốc gia. Tất nhiên, việc thực thi luật cũng cần có lộ trình, bước đi phù hợp, phải đặt trong sự kết hợp các biện pháp khác như đầu tư cho ngoại thành, phát triển Vùng Thủ đô vì không phải cứ ra được luật là giải quyết được mọi vấn đề.
Bà Nguyễn Thị Nhung (xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì):
Luật Thủ đô được ban hành đã quy định rõ về việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, nghiêm cấm các hành vi gây ô nhiễm sông hồ, ban hành quy chuẩn môi trường Thủ đô. Mong rằng, những quy định nghiêm ngặt được thực thi sẽ góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống, nhất là môi trường nông thôn.
Ông Khuất Văn Hùng (xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ):
Luật Thủ đô đi vào cuộc sống, thành phố sẽ di chuyển các trường đại học, cao đẳng, nhà máy, xí nghiệp, các bệnh viện ra ngoại thành nhằm giảm tải áp lực về hạ tầng xã hội, giao thông, cũng như tạo điều kiện cho các bệnh viện được mở rộng diện tích, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Điều này đồng nghĩa với việc nông dân các huyện ngoại thành sẽ được hưởng các dịch vụ y tế tốt hơn, không phải vất vả đi lại xa xôi như hiện nay mỗi khi phải ra các bệnh viện ở nội thành khám, chữa bệnh.
Bà Vũ Thị Giang (xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm):
Luật Thủ đô được ban hành cũng đồng nghĩa với việc quy hoạch phát triển mạng lưới thương mại thành phố Hà Nội được triển khai, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, nhất là hệ thống chợ, trung tâm thương mại sẽ được phát triển đồng bộ, hiện đại; không những thế còn tạo đòn bẩy để Thủ đô phát triển, người dân được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống thương mại tiện ích, văn minh.
Ông Nguyễn Văn Kết (phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa):
Có thể nói, trong rất nhiều vấn đề đưa ra trong Luật Thủ đô, việc áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn tuy chưa phải là biện pháp hữu hiệu để giải quyết triệt để những bức xúc hiện nay, nhưng xét về khía cạnh vị trí, vai trò của Thủ đô thì rất cần thiết phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn mới đủ sức răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm, bảo đảm trật tự quản lý hành chính. Đây là một trong những giải pháp cần thiết để áp dụng đồng bộ với các biện pháp khác, nhằm góp phần xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng (quận Hà Đông, Hà Nội):
Thủ đô có những đặc thù nhất định về dân số, giao thông… vì vậy để quản lý chặt, chỉ có luật mới thực hiện được. Tôi kỳ vọng Luật Thủ đô sẽ là cơ sở rất quan trọng cho việc tăng cường hiệu quả hoạt động của Hà Nội, giải tỏa được vấn đề áp lực giữa tốc độ gia tăng dân số tự nhiên với hạ tầng xã hội.
Ông Ngô Thế Thái (77 tuổi, ngụ 70 Hàm Nghi, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh):
Việc ban hành Luật Thủ đô là vô cùng cần thiết và hợp lý, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay. Thủ đô cần có một quy chế và quyền hạn đặc thù, giúp Hà Nội đảm trách được chức năng, vai trò đặc biệt của mình. Thực tế, hiện nay trung tâm Thủ đô đã thực sự quá tải dân cư, hạ tầng xuống cấp, môi trường ô nhiễm, mất an ninh trật tự… Do đó, cần quy định rõ số lượng dân cư nội thành, quy định bao nhiêu người/km2..., trên hết là quy hoạch khu dân cư, trường học, bệnh viện, xí nghiệp sản xuất ra ngoại thành. Còn hạn chế như thế nào, tiêu chuẩn ra sao cần được thể chế hóa sao cho khi thực hiện vừa được lòng dân vừa góp phần đưa Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
Bà Đoàn Thị Ngọc Lân (66 tuổi, ngụ 16/63 Nguyễn Thiện Thuật, phường 2, quận 3, TP Hồ Chí Minh):
Tôi hy vọng Luật Thủ đô khi đi vào hiện thực sẽ khắc phục, thậm chí phát huy và làm sáng lên được các giá trị văn hóa ngàn đời của Thủ đô. Cần có các biện pháp thực tiễn để văn hóa Thủ đô mang phong cách riêng biệt mà không lẫn vào bất cứ đâu.
Ông Ngô Lê Dân (ngụ 189 Võ Thị Sáu, phường 7, quận 3, TP Hồ Chí Minh):
Là một người con sống xa Hà Nội mấy chục năm nay, khi Luật Thủ đô được thông qua, tôi mong mọi người dân đều nâng cao trách nhiệm của bản thân, cùng chung tay xây dựng Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung ngày càng giàu mạnh, văn minh. Mong thế hệ trẻ luôn có trách nhiệm xây dựng Thủ đô Hà Nội xứng tầm là trái tim của cả nước. Đặc biệt, mong các cơ quan chức năng có các biện pháp tuyên truyền rộng rãi hơn nữa về Luật Thủ đô, về ý nghĩa mà luật mang lại, để thực sự khi áp dụng sẽ có những thay đổi tích cực và thực tiễn hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.