(HNM) - So với mặt bằng chung của cả nước, tầm vóc thanh niên Hà Nội to cao hơn, nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, so với các nước khác, thể lực và tầm vóc người dân Thủ đô còn thua kém rõ rệt.
Bài đầu: “Thấp bé, nhẹ cân” do di truyền?
Theo nghiên cứu khoa học, chiều cao không hoàn toàn do gen, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chính vì vậy, ngoài chế độ ăn uống hợp lý, người dân cần quan tâm đến rèn luyện thể dục, thể thao cho trẻ em.
10 năm “nhích” được từ 2 đến 3cm
Ông Nguyễn Đình Lân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết, một nghiên cứu được thực hiện với hơn 1.500 người từ 6 tuổi trở lên sống ở 4 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Vì, Mỹ Đức cho thấy, sau 10 năm, chiều cao của người Hà Nội tăng được từ 2 đến 3cm (nam cao 166cm, nữ 155cm).
Số liệu điều tra sơ bộ tại 30 quận, huyện, thị xã năm 2016 cũng cho thấy, chiều cao trung bình của học sinh lớp 12 đối với nam là 166cm, nữ 156cm. Dù tầm vóc của thanh niên trên địa bàn Hà Nội nhỉnh hơn từ 2 đến 3cm so với mặt bằng chung của cả nước (hiện đạt 164cm ở nam và 153cm ở nữ), nhưng vẫn thấp hơn chiều cao trung bình trên thế giới (nam cao 171cm và nữ cao 159cm).
Nhiều phụ huynh đưa trẻ đi khám tại Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia). |
Đề cập tới yếu tố ảnh hưởng đến tầm vóc của người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) cho rằng, chiều cao không hoàn toàn do gen, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Dinh dưỡng, môi trường, tâm lý, vận động. Thực tế cho thấy, nhiều trẻ có cha mẹ là người Việt Nam sinh sống ở Pháp, Mỹ, Nhật Bản, khi trưởng thành, các em cao tương đương, thậm chí nhỉnh hơn bạn đồng trang lứa ở nước sở tại.
“Dinh dưỡng quyết định chiều cao một người (chiếm 32%), hơn cả di truyền, thể lực, môi trường. Thế nhưng, chế độ dinh dưỡng của người Việt đang rất thiếu khoa học. Ngay cả người có tiền, sống ở những thành phố lớn cũng không biết cách ăn uống thế nào cho đủ chất” - PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nói.
Có mặt tại Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) vào sáng 5-9, theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, nhiều trẻ được đưa đến đây vì cha mẹ “bất lực” trong việc “thúc” con cao lớn. Đơn cử như trường hợp bé Hà Nh (ở quận Hà Đông), 2 tuổi nhưng chỉ nặng gần 9kg.
Bà bé Hà Nh khẳng định: "Cháu tôi ăn uống rất tốt. Hằng ngày, trong các bữa ăn, Nh. đều được tẩm bổ đầy đủ các loại thực phẩm như: Hải sản, thịt, trứng, sữa, thịt bò, thịt gà…, nhưng mãi cả chiều cao lẫn cân nặng vẫn không đạt chuẩn, chứ đừng nói tới vượt trội".
Tương tự, bé Nguyễn Đình T (ở quận Hoàng Mai) dù học lớp 3, nhưng chỉ nặng gần 19kg. Kết quả khám cho thấy, nguyên nhân bé T gầy gò, ốm yếu là do cơ thể thiếu máu, thiếu sắt…
Hiện trung bình mỗi ngày, Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng tiếp nhận khoảng 200-300 trẻ đến khám với các vấn đề về rối loạn dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, thấp còi... Theo thống kê, cứ 4 trẻ có 1 trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Tiến sĩ Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng cho biết, nguyên nhân do trẻ không chỉ bị thiếu 1 hoặc 2 vi chất, mà là bị thiếu đa vi chất dinh dưỡng.
Trong khẩu phần ăn của trẻ, nhất là những trẻ sống ở Hà Nội, nhiều gia đình cố “nhồi” thật nhiều chất đạm, chất béo, nhưng thiếu chất xơ và một số chất dinh dưỡng quan trọng: Vitamin A, vitamin D, canxi, sắt, kẽm…, gây mất cân bằng dinh dưỡng, dẫn tới việc càng tẩm bổ con càng gầy gò. Thậm chí, không ít trường hợp trẻ đến khám có cân nặng tốt, có khi còn thừa cân, bị béo phì, nhưng lại bị còi xương thể bụ bẫm…
Cần chú trọng đầu tư giáo dục thể chất
Ngoài chế độ dinh dưỡng, vận động là việc cần thiết để kích thích tăng tiết hoóc môn tăng trưởng, giúp xương phát triển và tăng chiều cao. Hiện tại, nhiều khu dân cư trên địa bàn Hà Nội đã lắp đặt miễn phí những dụng cụ tập thể dục, thể thao. Thế nhưng, theo ông Lê Thanh Hòa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thể dục - Thể thao phường Việt Hưng (quận Long Biên), đối tượng tham gia tập luyện chủ yếu vẫn là người cao tuổi. Rất ít phụ huynh có ý thức dành cho trẻ một quỹ thời gian bắt buộc trong lịch học kín mít để chơi thể thao.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nhật Bản là quốc gia châu Á có nhiều nỗ lực và đạt được thành tựu to lớn về cải tạo chiều cao thân thể của dân tộc. Người Nhật coi ăn uống và luyện tập thể dục là hai bánh xe giúp cho sự tăng trưởng chiều cao thân thể, chúng cần phối hợp nhịp nhàng với nhau.
Ông Đinh Văn Luyến, Trưởng phòng Quản lý Thể dục - Thể thao (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) cũng cho rằng, các nước tiên tiến trên thế giới tập trung phát triển chiều cao của trẻ ngay từ khi còn học mẫu giáo, tiểu học. Họ xây dựng khu giáo dục thể chất, sân thể thao, bể bơi ngay tại các khuôn viên trường. Ngược lại, ở Việt Nam chỉ tập trung xây dựng khu giáo dục thể chất tại các trường phổ thông, trường đại học, còn bậc tiểu học lại bị lãng quên. Thậm chí, tại Hà Nội, nhiều trường phải đi thuê, mượn địa điểm, tỷ lệ trường có đủ phòng giáo dục thể chất hoặc thi đấu thể thao còn khiêm tốn.
Không phải ngẫu nhiên 1.000 ngày đầu đời của trẻ được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo là giai đoạn vàng phát triển chiều cao và thể chất. Bởi đây là giai đoạn quyết định đến 60% khả năng tăng trưởng chiều cao của trẻ trong tương lai. Nếu trẻ được bổ sung dinh dưỡng đúng và đủ, có thể tăng 25cm trong năm đầu tiên và 10cm mỗi năm trong 2 năm tiếp theo. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.