(HNM) - Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, thành phố Hà Nội nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện và nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS). Các cơ quan, đơn vị đã nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của các chỉ số và có nhiều cách triển khai toàn diện, từng bước nâng cao sự hài lòng của người dân.
Quyết tâm thay đổi
Trước thực trạng năm 2019, chỉ số PAPI của Hà Nội chỉ đạt 41,53/80 điểm, xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố và chỉ số SIPAS đạt 80,09%, đạt chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn nằm trong nhóm các địa phương có chỉ số hài lòng chưa bền vững, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành hai kế hoạch quan trọng. Đó là Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 11-6-2020 về “Cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của thành phố Hà Nội năm 2020” và Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 11-6-2020 về “Cải thiện, nâng cao Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của thành phố Hà Nội năm 2020 và các năm tiếp theo”.
Theo Phó Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ Hà Nội) Hoàng Thị Hồng Hải, năm 2020, Đoàn kiểm tra cải cách hành chính của thành phố đã kiểm tra 53 đơn vị. Trong đó, kiểm tra chuyên đề về nội dung PAPI tại 6 quận, huyện, thị xã; kiểm tra công tác cải cách hành chính (lồng ghép nội dung kiểm tra về PAPI, SIPAS) tại 41 đơn vị.
Kết quả cho thấy, với cả hai nội dung PAPI và SIPAS, các quận, huyện, thị xã đều đã xây dựng kế hoạch và triển khai theo yêu cầu của thành phố. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, nên từ cán bộ tới người dân đều nhận thức rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình. “Chính quyền công khai, minh bạch nhiều nội dung. Người dân được tham gia bàn bạc, giám sát nhiều vấn đề ở địa phương”, bà Chu Thị Luyến (phường Long Biên, quận Long Biên) chia sẻ.
Nhờ đó, nhiều nội dung đã có chuyển biến rõ rệt. Tiêu biểu như với chỉ số PAPI, năm 2019 nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân” được đánh giá ở mức 45,7%, trong đó nội dung thành phần bị đánh giá thấp nhất là “Giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải đáp khúc mắc của người dân” (25,2%). Để khắc phục, trong năm 2020, lãnh đạo thành phố duy trì lịch tiếp công dân định kỳ. Toàn thành phố triển khai 18 cuộc thanh tra trách nhiệm người đứng đầu tại 25 đơn vị. Các cơ quan hành chính đã tiếp 31.493 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã hoàn lại cho công dân 302m2 đất và 31 triệu đồng; kiểm điểm trách nhiệm 32 tập thể, 27 cá nhân để xảy ra sai phạm; chuyển cơ quan điều tra 4 vụ. Trong khi đó, Thanh tra thành phố đã giải quyết 720/873 vụ khiếu nại, tố cáo (đạt 82%), thực hiện 760/837 văn bản chỉ đạo (đạt 91%).
Triển khai nhiều giải pháp
Năm học 2019-2020 là năm đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đo lường sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ giáo dục công. Việc này được thực hiện tại 8 quận, huyện: Thanh Xuân, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Gia Lâm, Thanh Trì, Thanh Oai và Mỹ Đức. Nội dung khảo sát gồm 5 nhóm tiêu chí: Tiếp cận dịch vụ giáo dục; cơ sở vật chất; môi trường giáo dục; hoạt động giáo dục; kết quả giáo dục của nhà trường. Kết quả, 96,31% số người được khảo sát đã thể hiện sự hài lòng. Chị Nguyễn Thu Nga (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) bày tỏ vui mừng khi lần đầu tiên được nhận phiếu lấy thông tin khảo sát về trường con của chị đang theo học và cho rằng điều này thể hiện sự cầu thị của ngành Giáo dục để cải tiến chất lượng dạy và học.
Nói về kết quả này, Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Đàm Xuân Quang khẳng định: “Kết quả khảo sát cho thấy đó là số liệu đáng tin cậy, khách quan. Đồng thời là cơ sở để các cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục xác định được nhu cầu, nguyện vọng của người dân để có biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm sự hài lòng của người dân với chất lượng dịch vụ giáo dục công”.
Ở góc độ khác, Trưởng phòng Nội vụ huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Mùng Chín cho biết: “Cùng với việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch, khi thành phố tổ chức hội nghị chuyên đề về giải pháp cải thiện nâng cao chỉ số PAPI (tháng 11-2020), với sự phân tích sâu từ dẫn chứng thực tế của các chuyên gia, chúng tôi hiểu rõ hơn và dễ dàng triển khai cụ thể theo từng nội dung cần công khai ở cơ sở, đáp ứng nhu cầu của người dân”.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà, với sự chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, năm 2020, các nội dung của chỉ số PAPI, chỉ số SIPAS được triển khai toàn diện, thường xuyên, góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ. Nội dung này sẽ tiếp tục được thành phố chú trọng triển khai trong thời gian tới. “Trong năm 2021, chỉ số SIPAS và chỉ số PAPI của các đơn vị sẽ được đưa vào cơ cấu điểm trong bộ Chỉ số cải cách hành chính nội bộ thành phố Hà Nội”, bà Vũ Thu Hà thông tin thêm.
- PAPI là tên gọi chương trình nghiên cứu về quản trị do Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) khởi xướng từ năm 2009. Năm 2019, nghiên cứu PAPI đã khảo sát từ 14.138 công dân Việt Nam được lựa chọn ngẫu nhiên trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố.
- Chỉ số SIPAS do Bộ Nội vụ tiến hành, nhằm đo lường đánh giá khách quan chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ công của các cơ quan hành chính nhà nước thông qua ý kiến phản hồi của người dân, tổ chức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.