Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao quyết tâm chính trị

Long Hà| 16/11/2020 06:31

(HNM) - Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 10-11-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, để thực hiện thành công mục tiêu được nêu trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng “đến năm 2030 nước ta thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các kịch bản, phương án khác nhau. Tuy nhiên, “thách thức lớn nhất không phải thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, thoát khỏi sự tụt hậu về kinh tế, mà là thiếu ý chí vươn lên, thiếu quyết tâm hành động”, Thủ tướng nhấn mạnh.

“Thiếu ý chí, quyết tâm” đang là một hạn chế tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, trong đó có Hà Nội.

Đánh giá về những hạn chế, yếu kém trong 5 năm qua (2016-2020), Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhấn mạnh: “Ý thức, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Còn có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một số cán bộ, đảng viên, cá biệt có đảng viên còn có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm, bị kỷ luật và xử lý hình sự”.

Để hình dung cho nhận định này, có thể nhìn vào con số 59 tổ chức Đảng và 4.143 đảng viên của Đảng bộ Hà Nội đã bị thi hành kỷ luật trong nhiệm kỳ vừa qua. Trong đó có 5 cán bộ là thành ủy viên, 54 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Có nghĩa là sự “trượt dốc” của cán bộ, đảng viên không phụ thuộc vào có chức vụ hay chưa.

Để hình dung, có thể nhìn vào lý do khiến các cán bộ, đảng viên đã phải nhận kỷ luật Đảng, thậm chí bị xử lý hình sự: Là buông lỏng (và cả cố ý làm trái) quy định quản lý đất đai; cố ý làm trái quy định pháp luật gây thiệt hại; lợi dụng đấu thầu, mua sắm tài sản công để trục lợi…

Để hình dung, có thể suy ngẫm về nhận định tại nghị quyết này: “Công tác quản lý, phát hiện, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng, đất đai, đô thị, môi trường có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu, để phát sinh nhiều vụ việc phức tạp, nổi cộm, chậm được xử lý, gây bức xúc dư luận. Việc xử lý úng ngập, ùn tắc giao thông còn nhiều thách thức; công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng còn chậm, gặp nhiều vướng mắc…”.

Hoặc cũng có khi đơn giản là nhìn lại những vụ việc liên quan tới cán bộ, công chức đã bị công luận phê phán như: Bỏ vị trí công tác, chậm giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc cứng nhắc và không tuân theo quy định…

Và sau hết, là nỗi trăn trở khi mà Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Hà Nội vẫn còn ở vị trí thấp so với cả nước.

Làm công việc mang tính lặp đi, lặp lại, rất dễ khiến người thừa hành “mắc bệnh” chủ quan, giải quyết theo kinh nghiệm, mà không cập nhật chủ trương, chính sách mới. Với công việc phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp thì không đủ quyết tâm phục vụ, rất dễ né tránh trách nhiệm bằng cách “kính chuyển” đi nơi khác. Ngược lại, nếu có quyết tâm phối hợp thông tin, cộng đồng trách nhiệm cao thì chắc chắn sẽ giải quyết xong.

Cùng những quy định về chính sách giải phóng mặt bằng, mời gọi đầu tư… nhưng kết quả thu được lại khác nhau - bởi đó là “thước đo” mức độ quyết tâm chính trị của cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương.

Quyết tâm chính trị là yếu tố vô hình, nhưng mang lại kết quả hữu hình!

Từ thực tiễn phát triển đất nước, dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đúc kết ra 5 bài học kinh nghiệm quý báu. Một trong số đó là: “Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực, có bước đi phù hợp, phát huy mọi nguồn lực, động lực và tính ưu việt của chế độ xã hội…”.

Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định các mục tiêu phát triển toàn diện Thủ đô trong các chặng đường 5, 10 và 25 năm tới. Trong 3 khâu đột phá để thực hiện các mục tiêu này, cũng có nhiều điểm rất đáng chú ý liên quan tới việc xác định quyết tâm chính trị của cấp ủy và cán bộ, đảng viên.

Đó là - “Tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.

Đó là - “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống. Đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít, mà những tính tốt như sau ngày càng thêm.

Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có năm điều: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”.

Sự hoàn thiện trong cuộc đời mỗi người là sự “tu thân, dưỡng tính” không ngừng nghỉ.

Khi sự tu dưỡng rèn luyện ấy tuân thủ theo đúng chuẩn mực đạo đức cách mạng “Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm” - thì ắt sẽ hình thành nên quyết tâm chính trị.

Khi có quyết tâm chính trị cao, nhất định có ý chí cao và quyết tâm hành động mạnh mẽ.

Một tổ chức Đảng, khi ấy, nhất định sẽ nâng cao được năng lực lãnh đạo để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao quyết tâm chính trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.