(HNM) - Hà Nội là một trong những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) lớn, khoảng 18.000ha, tiềm năng lớn nhưng năng suất bình quân chỉ đạt 4-5 tấn/ha.
Nuôi trồng thủy sản theo mô hình GAqP sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.Ảnh: Thái Hiền
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Nguyễn Viết Để cho biết, hiện nay vấn đề môi trường, dịch bệnh thủy sản ngày càng biến đổi theo chiều hướng bất lợi cho người NTTS. Nguyên nhân chủ yếu là do người nuôi chưa có phương pháp theo dõi và kiểm soát môi trường, xử lý bệnh thủy sản nên khi gặp trường hợp cá trong ao nuôi bị bệnh không biết phương pháp xử lý, hoặc điều trị sai phương pháp nên cá chết hàng loạt. Do đó, năm qua, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã xây dựng 10 mô hình NTTS theo tiêu chuẩn GAqP tại các huyện Phú Xuyên, Thanh Oai, Ba Vì, Sóc Sơn, Đông Anh, Thanh Trì... với tổng diện tích 12,1ha. Quá trình triển khai mô hình, Chi cục đã hỗ trợ 30% kinh phí cải tạo ao nuôi, hóa chất xử lý môi trường, chế phẩm sinh học... Hướng dẫn người dân phương pháp NTTS bảo đảm môi trường an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Các hộ tham gia mô hình được hướng dẫn cách ghi nhật ký chọn giống, chăm sóc, quản lý ao nuôi... Từ khi áp dụng nuôi GAqP, các ao nuôi không xuất hiện dấu hiệu cá bị bệnh, năng suất cá nuôi tại các hộ cao hơn 1,2 lần so với cách nuôi truyền thống...
Ông Nguyễn Văn Thông, Chủ nhiệm HTX dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi Tân Đô, xã Cổ Đô (Ba Vì) cho biết, toàn xã có hơn 127ha NTTS, trước đây năng suất chỉ đạt 5 tấn/ha, từ năm 2010, áp dụng nuôi theo mô hình GAqP, năng suất đạt từ 6-7 tấn/ha. Qua áp dụng GAqP các hộ tham gia mô hình đã biết cách nuôi như thế nào hợp lý, hạn chế rủi ro.
Chi cục Thủy sản Hà Nội cho rằng, bên cạnh những mặt đạt được, việc triển khai mô hình NTTS theo tiêu chuẩn GAqP vẫn còn nhiều khó khăn cần phải khắc phục. Ở một số địa phương vẫn còn thiếu các cơ sở dịch vụ cung cấp thuốc trị bệnh, hóa chất, chế phẩm xử lý môi trường dùng trong NTTS. Do đó, khi có sự cố xảy ra, người dân gặp khó khăn khi cần mua thuốc hoặc chế phẩm xử lý. Khi áp dụng nuôi theo quy trình này, giá thành đầu vào tăng hơn so với nuôi truyền thống, nhưng thị trường đầu ra vẫn chưa ổn định vì hiện ở các huyện vẫn chưa có hệ thống cửa hàng phân phối và giới thiệu sản phẩm, nên khi giá bán cao hơn, sản phẩm khó tiêu thụ...
Theo ông Nguyễn Viết Để, để nhân rộng mô hình NTTS theo tiêu chuẩn GAqP, cần xây dựng các chuỗi sản xuất thủy sản để kiểm soát an toàn vệ sinh trong quá trình sản xuất, thu gom, vận chuyển, bảo quản và chế biến. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tiếp tục hỗ trợ người nuôi về phát triển thị trường để họ yên tâm đầu tư sản xuất... Mặt khác thành phố nên có chính sách ưu đãi cho các HTX, trang trại NTTS theo tiêu chuẩn GAqP để dần xóa các hộ nuôi nhỏ lẻ, chuyển sang nuôi tập trung, quy mô lớn. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu NTTS, đặc biệt ưu tiên cho hệ thống kênh cấp, thoát nước ở các vùng nuôi, mô hình GAqP chỉ thành công khi cơ sở hạ tầng, ao, mương, cống… đồng bộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.