Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao năng lực của bí thư cấp ủy

Thành Vinh| 22/08/2013 06:08

(HNM) - Những năm qua, công tác tổ chức quán triệt, học tập các chỉ thị, nghị quyết luôn được các cấp ủy Đảng xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, hầu hết đã được các bí thư cấp ủy trực tiếp chỉ đạo thực hiện.

Nhiều hình thức tuyên truyền được triển khai đã cơ bản bảo đảm mục đích, yêu cầu đề ra, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng trên các lĩnh vực, qua đó tạo sự nhất trí cao trong nhận thức, tư tưởng và hành động của đông đảo cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn bộc lộ những hạn chế. Các bí thư cấp ủy thường mới chỉ quan tâm lãnh đạo việc tổ chức quán triệt, nhưng trong nhiều văn bản hướng dẫn triển khai học tập, quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Trung ương có yêu cầu bí thư cấp ủy phải trực tiếp truyền đạt nghị quyết thì không ít bí thư chưa thực hiện tốt nhiệm vụ này. Qua đánh giá sơ bộ của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, chỉ có khoảng 50% bí thư các quận, huyện, thị ủy và 30% bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn có thể thực hiện tốt việc trực tiếp truyền đạt quán triệt chỉ thị, nghị quyết tại đảng bộ.

Không ít bí thư cấp ủy cơ sở trên địa bàn thành phố thường dựa vào lợi thế có thể mời được báo cáo viên của Trung ương hoặc giảng viên của các học viện, nhà trường có uy tín về truyền đạt nghị quyết. Lý do được đưa ra là để đáp ứng tốt hơn nhu cầu nghe quán triệt của đảng viên. Thậm chí, nhiều bí thư cấp ủy cho rằng không ít đảng viên của địa phương có trình độ rất cao (từng là bộ trưởng, thứ trưởng, chuyên gia… nghỉ hưu) nên không dám "múa rìu qua mắt thợ". Và thêm một lý do nữa là khi thực hiện như vậy cũng giúp cấp ủy, mà cụ thể là cá nhân bí thư "nhàn" hơn nhiều. Cũng từ đó mà không ít bí thư cấp ủy Đảng dựa quá nhiều vào báo cáo viên ở nơi khác mà lơ là trách nhiệm trực tiếp truyền đạt các nghị quyết, không chịu nghiên cứu nghị quyết, rèn luyện kỹ năng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng xây dựng chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của đảng của một bộ phận cấp ủy yếu, còn hình thức, đối phó. Tình trạng sao chép chương trình hành động cấp trên khá phổ biến, dẫn tới xa rời thực tế, không phù hợp với tình hình cơ sở…

Để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, trước hết cá nhân bí thư cấp ủy phải nắm chắc nội dung nghị quyết và có nghiên cứu liên hệ với thực tế đặt ra tại địa phương, đơn vị và đây cũng là yêu cầu đặt ra khi trực tiếp truyền đạt nghị quyết. Do vậy, nâng cao năng lực của đội ngũ bí thư cấp ủy cơ sở trong việc trực tiếp truyền đạt chỉ thị, nghị quyết của Đảng là yêu cầu cấp thiết đối với cơ quan tuyên giáo các cấp và bản thân các bí thư cấp ủy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao năng lực của bí thư cấp ủy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.