Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao năng lực cạnh tranh: Mục tiêu không có điểm dừng

Hồng Sơn| 21/03/2014 06:00

(HNM) - Ngày 20-3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 với chủ đề



Đây là hoạt động thường niên, nhằm đưa ra những đánh giá tổng hợp về chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền địa phương thông qua cảm nhận của cộng đồng DN dân doanh trên địa bàn. Qua đây, lãnh đạo các tỉnh, thành phố có dịp so sánh, phát huy mặt mạnh và khắc phục hạn chế để không ngừng nâng cao PCI trong thời gian tới.

Trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động thiết thực, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Huy Hùng


Hà Nội đã nỗ lực vượt bậc

VCCI cho biết, kết quả khảo sát hơn 8.000 DN, thông qua việc chọn lấy mẫu đối với DN, phân tích và tính điểm đã cho thấy bức tranh PCI tổng thể. Thông điệp chung của PCI lần này là chất lượng điều hành của các địa phương có xu hướng chuyển biến tích cực, điểm số của tỉnh ở vị trí trung bình đã đạt 47 điểm, cao hơn hẳn so với các năm trước. Các chuyên gia nhấn mạnh, mặc dù nền kinh tế đang phục hồi nhưng DN vẫn gặp nhiều khó khăn và rất vất vả để duy trì hoạt động. Chỉ có 6,4% DN được hỏi cho biết sẽ tăng quy mô đầu tư, nhìn chung nhiều đơn vị chưa tỏ rõ sự lạc quan khi 32,5% DN xác nhận có thể quyết định tăng quy mô kinh doanh trong vòng 2 năm tới.

Đại diện DN có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, Việt Nam được đánh giá tích cực và giầu sức cạnh tranh hơn một số quốc gia khác nhờ sự ổn định về chính sách vĩ mô, ít rủi ro về khả năng thu hồi tài sản, có mức thuế hợp lý. VCCI nhấn mạnh, đã xuất hiện sự tương quan thuận chiều giữa việc tuân thủ pháp luật của DN với vai trò của đội ngũ này trong hoạt động tham vấn chính sách đối với cơ quan quản lý. Điều này thể hiện sự đồng thuận ngày càng cao trong quan hệ giữa cơ quan chức năng, công quyền với cộng đồng DN.

Xét từ góc độ địa phương, Đà Nẵng đã vươn lên đứng vị trí đầu bảng xếp hạng, với 66,45 điểm; thứ 2 là Thừa Thiên Huế với 65,56 điểm; tiếp theo là Kiên Giang, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bến Tre… những địa phương này dẫn đầu và đứng trong nhóm "rất tốt" của bảng xếp hạng. Một số tỉnh, thành phố được xếp vào "nhóm tốt" gồm Thanh Hóa, Cần Thơ, Bắc Ninh… Phần lớn các tỉnh thuộc miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Tuyên Quang… vẫn đứng cuối bảng xếp hạng như đã từng diễn ra trong các năm trước.

Một số thành phố lớn đã có sự cải thiện vị trí đáng ghi nhận, trong đó TP Hồ Chí Minh tăng 3 bậc. Riêng Hà Nội tăng rất mạnh, xếp vị trí thứ 33, tăng 18 bậc so với năm 2012, đạt 57,67 điểm. Đây là diễn biến mới trong quá trình đánh giá, xếp hạng của VCCI đối với các địa phương và thể hiện rõ sự tiến bộ vượt bậc của chính quyền TP Hà Nội. Các chuyên gia thừa nhận, Hà Nội đã vươn lên, giành được nhiều sự cải thiện về môi trường kinh doanh cũng như hỗ trợ DN thông qua sự gia tăng của các chỉ số thành phần; tiêu biểu như: Tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý hoặc tính năng động của các cấp điều hành.

Tạo môi trường kinh doanh thân thiện, minh bạch

Qua từng năm, PCI đã dần trở thành mục tiêu phấn đấu, cũng là động lực phát triển kinh tế trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố. Xu hướng nâng cao thứ hạng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đang lan rộng, rất đáng khích lệ; từ đó sức cạnh tranh về môi trường kinh doanh cả nước chắc chắn sẽ tăng lên. Nhìn chung, bức tranh PCI có sự cải thiện tích cực, tuy chưa đạt mức như mong muốn. Chính phủ đang đôn đốc các bộ, địa phương khẩn trương rà soát hệ thống văn bản đã ban hành, kịp thời phát hiện nhằm xóa bỏ những văn bản không phù hợp, bổ sung, điều chỉnh quy định để hỗ trợ DN một cách thiết thực. Làm được như vậy sẽ tạo được sự đồng thuận và huy động tối đa nguồn nội lực cho đầu tư phát triển kinh tế.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, đại diện nhóm nghiên cứu PCI 2013, yêu cầu phát triển rất cần sự chia sẻ, đồng thuận giữa chính quyền và DN theo hướng càng chặt chẽ càng tốt. Nơi nào chính quyền chủ động tổ chức đối thoại với DN để nắm bắt tình hình thực tế, thực tâm muốn tháo gỡ khó khăn cho DN đều nhận được sự phản hồi tích cực. Hơn thế, sau đó chính quyền cần theo dõi diễn biến và trả lời những khúc mắc cho DN để tạo sự chuyển biến và niềm tin trong kinh doanh.

PCI không phải là con số bất biến và nó là bao nhiêu hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức cầu thị, ý chí vươn lên trong quá trình cải cách hành chính, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh của chính quyền từng địa phương. Đó là việc tạo cơ chế, chính sách cũng như hỗ trợ DN từ lúc tham gia đến khi rút khỏi thị trường. Thực tế cho thấy, chính quyền những địa phương vốn đứng ở thứ hạng cao đến nay cũng phải nỗ lực tối đa mới có thể giữ được thứ hạng do sự cạnh tranh giữa các địa phương diễn ra ngày càng gay gắt. Như vậy, mỗi tỉnh, thành phố cần tham khảo bảng xếp hạng PCI để có góc nhìn toàn diện, để "biết mình là ai" trong cuộc đua cải thiện vị trí, mà bản chất chính là tạo ra môi trường kinh doanh thân thiện, minh bạch nhằm phục vụ DN hiệu quả nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao năng lực cạnh tranh: Mục tiêu không có điểm dừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.