(HNM) - Đến hẹn lại lên, năm nay tháng khuyến mãi (TKM) của Hà Nội sẽ diễn ra trong cả tháng 11, với sự tham gia của hàng trăm DN. Đây là hoạt động thương mại có ý nghĩa với người tiêu dùng (NTD). Năm nay, UBND TP Hà Nội chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả của TKM.
PV Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Phạm Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công thương về vấn đề này.
- Ông có thể cho biết, vì sao TP duy trì tổ chức TKM? Quy mô và những hoạt động của TKM năm nay sẽ diễn ra thế nào?
Người tiêu dùng sẽ được mua nhiều sản phẩm chất lượng tốt với giá rẻ trong tháng khuyến mãi. Ảnh: Minh Hoàng
- TKM đã được tổ chức từ vài năm nay, trở thành sự kiện thương mại thường niên nhằm kích cầu tiêu dùng, tạo cơ hội tiêu thụ sản phẩm cho DN và mua sắm hàng hóa có chất lượng, giá ưu đãi nhất đối với NTD. Đến nay, cộng đồng DN rất ủng hộ, mong muốn tham gia hoạt động này. Bằng việc tham gia TKM, nhiều DN cũng nghiên cứu tâm lý tiêu dùng để phát triển bền vững… Năm nay, TKM được nhấn mạnh với mục đích góp phần bình ổn giá trong tình trạng lạm phát vẫn là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu của mỗi gia đình. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn thông qua TKM để hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên diện rộng, từ đó tạo thói quen mua bán lành mạnh, kết nối giữa DN và người dân, thúc đẩy sản xuất hiệu quả. TKM cũng là một sân chơi công bằng để DN giới thiệu chất lượng hàng hóa và dịch vụ của mình, trong đó người mua sẽ đóng vai trò “giám khảo” để phân định khả năng của từng DN thông qua nhận xét và quyết định mua sắm của mình. TP yêu cầu mỗi DN thực hiện nghiêm các quy định, bảo đảm quyền lợi NTD.
TKM năm nay thu hút 350-500 DN thuộc một số ngành hàng, như thực phẩm - đồ uống; thời trang, dệt may, giày dép; điện tử - máy tính, điện máy; đồ gia dụng, nột thất, thủ công mỹ nghệ; ô tô - xe máy; nhóm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; khách sạn, dịch vụ du lịch và một số loại sản phẩm khác. Lễ khai mạc sẽ được tổ chức vào tối 28-10 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam (Giảng Võ - Hà Nội) và kéo dài hết tháng 11. Trong khuôn khổ TKM còn có Hội chợ vàng khuyến mại diễn ra tại trung tâm nói trên, từ ngày 29-10 đến ngày 2-11, với hơn 100 gian hàng giới thiệu nhiều loại hàng tiêu dùng.
Chúng tôi chọn ngày 12 và 13-11 là hai “Ngày vàng” mua sắm tại 20 “Điểm vàng” trên địa bàn TP, với chương trình khuyến mại hấp dẫn. Mức giảm giá cho khách hàng trong hai ngày này với ngành hàng điện máy là 20-50% áp dụng với ít nhất là 20% số lượng mặt hàng đang kinh doanh của DN đăng ký tham gia; các ngày khác trong TKM giá bán sản phẩm cũng giảm 15-20%. Ngành hàng tổng hợp áp dụng mức giảm giá 20-50% trong hai “Ngày vàng” với ít nhất là 20% số lượng hàng đang kinh doanh của DN. Cũng với ngành hàng này, nhưng tại siêu thị tổng hợp quy mô từ 20.000 mặt hàng trở lên thì giảm giá 20-50% với ít nhất 500 mặt hàng đang kinh doanh. Một số đơn vị tiêu biểu là các siêu thị Pico, Hương Anh, Việt Long, VNPT…
- Theo ông, TKM năm nay có gì mới?
- Chúng tôi quyết định khai mạc TKM vào tối thứ sáu cuối cùng của tháng 10 để “lấy đà” cho hai ngày nghỉ cuối tuần nhằm tạo ra sự lan tỏa ngay sau khai mạc, tạo tâm lý mua sắm cho bà con. Sau đó, TKM sẽ kéo dài suốt tháng 11 như những năm trước. Năm nay, TP khuyến khích DN mở điểm bán hàng ở các khu vực ngoại thành để chia sẻ cơ hội cho NTD vùng xa tiết kiệm thời gian, mua hàng thuận lợi. Đặc biệt, sẽ có một hội chợ khuyến mại tại huyện Thạch Thất, góp phần đánh thức thị trường, thu hút sự quan tâm của bà con địa phương. Nếu thành công, việc mở hội chợ quy mô phù hợp sẽ được nhân rộng ra nhiều huyện khác trong TKM các năm sau. TKM cũng là dịp để giới thiệu và khuyến khích DN, NTD thực hiện phương thức mua - bán trực tuyến...
- Ngành chức năng sẽ làm gì để quản lý có hiệu quả trong TKM?
- TKM năm nay được lồng ghép trong bối cảnh Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2011, quyết tâm kiềm chế lạm phát và bình ổn giá của Chính phủ nên càng có ý nghĩa thiết thực. Từ đó, các ngành chức năng, nhất là Sở Công thương, lực lượng quản lý thị trường phải vào cuộc ngay từ đầu, gia tăng tần suất kiểm tra, kiểm soát tình hình. Việc quản lý thị trường sẽ được giao về các đội quản lý ở từng quận, huyện cụ thể, sau đó phân công tiếp đến các tổ phụ trách địa bàn nhỏ hơn. Các đơn vị chức năng cũng tăng cường kết hợp, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, nhất là với hành vi vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ cũng như việc bán hàng không niêm yết giá. Chúng tôi rút kinh nghiệm từ năm trước để chủ động phát hiện sớm, phòng ngừa khả năng xảy ra việc một số điểm bán hàng tự ý trưng biển bán hàng của TKM nhưng không đăng ký và cũng không thực hiện giảm giá…
- Xin cảm ơn ông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.